Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình So (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 19/05/2023 11:49

Đình So thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

dinh-so-huyen-quoc-oai-.jpg
Đình So

Tên thường gọi là đình So, hiện ở tại xã Cộng Hoà, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đình là một kiến trúc nổi tiếng và khá lớn của người Việt “đẹp đình So, to đình Sở”.

Có thể tới đình bằng nhiều đường. Song, đường thuận tiện nhất là từ Hà Đông đi Quốc Oai, qua La Dương - Ngãi Cầu, sông Đáy tới đê Hữu Ngạn là nhìn thấy đình.

Tục truyền rằng, từ khoảng đầu thế kỷ X có ông Cao Hiển, người phủ Thuận An ở Kinh Bắc, lấy bà Lã Thị Ả, do cầu tự mà sinh được ba người con. Lớn lên, cả ba người đều phò vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, giữ yên bình cho đất nước. Về sau, cả ba đều mất tại nơi này, hiển ứng giúp dân trong mọi việc, vì thế dân lập đền thờ gọi là “Đổng linh thuỷ quan”. Tới thế kỷ XVII, làng lập đình So và rước các thần về thờ. Từ đó, đình nổi tiếng với tấm bia ghi sự tích, làm vào năm 1674, cùng nhiều sắc phong rất quý.

Có thể nói rằng đây là một ngôi đình hiếm quý về mặt cảnh quan nhân tạo và nghệ thuật, trong không nhiều kiến trúc cùng loại ở nước ta hầu như không một di tích nào có hồ bán nguyệt lớn như đình So (dài xấp xỉ 250m). Trước đây, hồ là lòng sông được dân làng quai đê thành bờ vòng cung của hồ, đẩy sông ra phía ngoài, khiến cho mặt nước đình trở nên mênh mông quanh quẻ. Tiếp tới, là một vạt đất rộng, trồng cỏ càng tăng thêm sự thoáng rộng. Nơi đây thường diễn ra các trò vui ngày hội. Người ta có thể thấy đình So có nhiều đặc điểm riêng bằng một hệ thống 18 bậc đá lớn rộng dẫn lên Nghi môn tạo nên một cảm giác bề thế chững chạc, hai bên bậc là lan can đá, có mũ tượng bào xoi vỏ măng. Thực ra, đó là thân rồng, vì đón phía dưới là đầu, đuôi rồng vân hoá, còn đuôi được thể hiện ở nền trên. Rồng tuy đơn giản, nhưng đã đạt được các vẻ đẹp tâm linh và vẻ đẹp hình thức. Tiếp theo, là một Nghi môn (rất hiếm thấy ở đình khác) mang giá trị nghệ thuật cao. Kiến trúc này có hai tầng tám lá mái (người ta như thấy có ý nghĩa về dịch học), một gian hai chái, bốn hàng chân, ngăn cách với bên ngoài bởi ba bộ cửa bức bàn lớn, đứng khung ở cột cái trong “vì nóc” theo kiểu chồng rường, bộ mái dưới tỳ lực lên các bộ “cốn” và những “bẩy” ngang. Toà này nổi lên chủ yếu ở phần chạm trổ rất kỹ ở trên đầu các cốn “lá gió” và chuồng cửa, với các đề tài: mai điểu, tùng hạc, cúc trĩ, bát bửu, các phù điêu đồ thờ... tất cả đều được gia công để vừa đạt được ý nghĩa cầu phúc, vừa biểu hiện một giá trị khá cao về vẻ đẹp.

Vượt qua một sân nhỏ (nay đã trồng nhiều cây cảnh) dẫn vào toà Đại đình có bộ mái lớn chiếm 1/2 của đình. Mở đầu cũng là đôi rồng đá, toàn thân được chạm cẩn thận, chi tiết, với đường nét chắc khoẻ, dứt khoát, mà vẫn mềm mại, có lẽ đây là đôi rồng trong không nhiều rồng đẹp nhất của thế kỷ XIX. Qua bậc tam cấp vào đình, là một bố cục không gian mặt bằng kiến trúc hình chữ “công”. Thực ra, gốc của đình chỉ có một dãy dọc với bảy gian hai chái lớn, sáu hàng chân. Phần Hậu cung hiện nay được bổ sung sau. Theo bài minh trong văn bia thì đình được làm vào cuối thế kỷ XVII, nhưng hiện chỉ còn vài đầu dư và một số mảnh chạm của giai đoạn đó, còn hầu như đã được làm lại vào thế kỷ XIX. Đình còn đầy đủ sàn, đó là điều hiện nay quý hiếm, có sáu bộ vì chính đứng lực trên cột cái và hai vì phụ ở đầu đốc đứng lực trên cột trốn “vì nóc” kết cấu kiểu giá chiêng, hai bên cột con có rường cụt chạy ra đỡ hoành.... Chính đỉnh “vì” chạm mặt hổ phù lớn như nói lên ước vọng cầu được mùa, và đầu các con rường đều chạm nổi vân xoắn lớn vừa mang ý niệm cầu mưa tránh sự thô kệch của kiến trúc. Nối từ cột cái ra cột quân là “cốn”, cũng kết cấu chồng rường, phần này chạm đầy linh vật và vân xoắn, từ cột quân sang cột hiên là một kẻ cong với đề tài chạm khắc linh vật và hoa lá riêng, riêng ở gian giữa có cốn mê (bưng ván tam giác) để thể hiện các mảng chạm nổi điêu luyện.

Kiến trúc Hậu cung chủ yếu bào trơn đóng bén như một vài mảng trang trí của thế kỷ XVII còn sót lại, khiến ta có thể nghĩ rằng đình So là một trong không nhiều kiến trúc có Hậu cung (hình chuôi vồ hay đuôi chữ “công”) sớm nhất nước ta.

Hiện vật của đình có nhiều đồ quý. Đặc biệt là hai khám mui luyện là cỗ kiệu, hạc... mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XVII.

Nhìn chung, nếu không bị lệ thuộc vào niên đại, thì đình So có thể xếp ngang giá trị với đình Tây Đằng, đình Tường Phiêu, đình Bảng và nhiều đình khác, nó có thể đại diện cho kiến trúc đình ở một thời kỳ lịch sử.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1982./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)