Lý luận - phê bình

Phát huy trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của văn nghệ sĩ Thủ đô

Thụy Phương 07:59 18/05/2023

Nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật (VHNT) và đội ngũ văn nghệ sĩ, ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Kể từ khi Nghị quyết được triển khai cho đến nay, VHNT Thủ đô đã có sự chuyển mình ra sao, còn những hạn chế tồn tại gì, và đâu là giải pháp để khắc phục những hạn chế đó. Cùng Người Hà Nội trò chuyện với NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ

PV: Thưa NSND Quốc Chiêm, là người đã gắn bó nhiều năm với hoạt động VHNT, đặc biệt là trên cương vị của người quản lý, ông nhận định như thế nào về vai trò của Nghị quyết số số 23-NQ/TW đối với sự phát triển của VHNT nói chung, VHNT Thủ đô nói riêng?

NSND Trần Quốc Chiêm: Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng; đáp ứng yêu cầu phát triển nền VHNT nước nhà và nguyện vọng của đông đảo đội ngũ sáng tạo VHNT. Qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết, có thể thấy rõ nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của VHNT trong thời kỳ mới phần nào được được nâng lên.

4.-trien-lam-anh-nghe-thuat-ha-noi-lan-thu-52.jpg
 Lễ khai mạc và trao giải Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 52.

Riêng với Hà Nội, thực tế cho thấy thành phố luôn đánh giá cao vai trò của văn hóa, VHNT trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, đồng thời không ngừng quan tâm, tạo điều kiện để giới trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô phát huy vị trí, vai trò của mình trong sáng tạo. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản, triển khai nhiều chương trình, đề án trên lĩnh vực VHNT; các chế độ, chính sách dành cho văn nghệ sĩ cũng được quan tâm. Các hoạt động VHNT được duy trì, triển khai sôi nổi, rộng khắp đặc biệt là trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của Thủ đô góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TW, theo ông văn học nghệ thuật Thủ đô đã có những bước chuyển nào ghi dấu ấn?

NSND Trần Quốc Chiêm: Năm 2008 cũng là năm địa giới hành chính Thủ đô mở rộng khi tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sáp nhập về Hà Nội. Số lượng văn nghệ sĩ Hà Nội không chỉ lớn mạnh thêm về đội ngũ, mà còn được thừa hưởng từ sự hợp lưu giữa văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Với sự cố gắng tích cực của các Ban chấp hành qua các kỳ Đại hội và sự cống hiến, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô thuộc 9 Hội chuyên ngành, VHNT Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, trong bối cảnh Thủ đô không ngừng đổi mới và phát triển trên các lĩnh vực, có thể khẳng định rằng với vị trí, vai trò của một hội chính trị - xã hội – nghề nghiệp, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội luôn giữ vững tính của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, vươn tới các giá trị nhân văn chân chính trong hoạt động sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn chiến đấu và xây dựng Thủ đô đang lớn mạnh và đổi mới từng ngày. Điều này thể hiện rõ qua các hoạt động sáng tác, hội thảo khoa học, lý luận phê bình, tôn vinh tác giả, tác phẩm, mở các trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng VHNT cũng như các biện pháp tổ chức đầu tư, bảo trợ, tài trợ tác phẩm VHNT, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ…

anh-nsnd-quoc-chiem-1.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm

Trong 15 năm qua sau khi Nghị quyết 23 triển khai, nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ về xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó luôn có ý thức đoàn kết, trau dồi, nâng cao vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Các sáng tác của văn nghệ sĩ Hà Nội trong giai đoạn vừa qua đã bám sát hiện thực sôi động Thành phố, bắt nhịp được với những động thái đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước, hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử với ý thức chủ động, tích cực. Trong đó, dễ nhận thấy dấu hiệu mới của đời sống VHNT là khuynh hướng hiện đại hóa các phương thức biểu hiện, tích cực tìm tòi, thể nghiệm hình thức diễn đạt mới, ngôn ngữ nghệ thuật mới phù hợp với yêu cầu mới của xã hội và thời đại… VHNT tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú, giàu tiềm năng, xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao, đạt được nhiều thành tựu, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước. Nhiều tác giả luôn tìm tòi sáng tạo hướng tới Chân - Thiện - Mỹ và có những thành tựu rất đáng ghi nhận về nghệ thuật cũng như tinh thần hội nhập với thế giới, phát huy các giá trị di sản của dân tộc.

PV: So với yêu cầu phát triển của đời sống xã hội và xu thế hội nhập hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) chắc hẳn còn nhiều hạn chế đòi hỏi sự chuyển mình của VHNT Thủ đô, thưa ông?

NSND Trần Quốc Chiêm: Đúng vậy, mặc dù đã có những thành tựu, song so với yêu cầu phát triển của đời sống xã hội và xu thế hội nhập hiện nay, thì VHNT Thủ đô vẫn có nhiều khoảng trống cần sự lấp đầy. Dù rằng số lượng tác phẩm VHNT của các văn nghệ sĩ Thủ đô ngày càng tăng, tuy nhiên còn ít những tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đáng nói là, trong số các tác phẩm được công bố, xuất bản, còn ít những tác phẩm VHNT chất lượng phản ánh một cách sâu sắc, sinh động, hấp dẫn và gây dấu ấn mạnh mẽ về hiện thực cuộc sống, có sức lan tỏa trong xã hội, chưa có nhiều tác phẩm thể hiện khuynh hướng sáng tác mới với tư duy đột phá mới...

3.-hoi-dien-anh-di-thuc-te-tai-ha-nam.jpg
Các hội viên Hội Điện ảnh Hà Nội chụp ảnh trong cchuyến đi thực tế tại Hà Nam tháng 3/2023.

Thực tế cho thấy đã xuất hiện một số xu hướng sáng tác VHNT mới, gắn liền xu hướng đó là sự phát triển khá mạnh, có phần xô bồ của các thể loại, các sản phẩm nghệ thuật mang tính thể nghiệm, biểu hiện rõ nhất trong văn học, âm nhạc trẻ, trong hội họa, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, trong múa hiện đại và sân khấu... Đó là đặc điểm mà những năm qua, chúng ta chưa lường hết và chưa dự báo đúng, có lúc, có nơi rơi vào thế bị động, chưa kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn đời sống văn nghệ.

Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác, chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán các biểu hiện sai trái, lệch lạc, việc thẩm định tác phẩm còn thiếu chính xác. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một khó được kiểm soát...

PV: Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này?

NSND Trần Quốc Chiêm: VHNT được xác định là bộ phận cốt lõi và tinh tế của văn hóa tuy nhiên tới nay, nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của VHNT không phải lúc nào cũng thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nhận thức và vận dụng tư duy lý luận, các quan điểm của Đảng trong phát triển VHNT của những người làm công tác quản lý còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò chức năng của VHNT; Chính sách đầu tư cho hoạt động VHNT chưa đúng tầm, đúng mức, chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác VHNT; Nguồn lực đầu tư cho VHNT còn thấp, công tác hỗ trợ đào tạo tài năng VHNT còn hạn chế...

Về phía đội ngũ những người sáng tác VHNT, nhận thức, vốn sống, tầm nhìn của nhiều văn nghệ sĩ chưa theo kịp với những chuyển động của đất nước, của hội nhập. Thêm nữa là sự thiếu chủ động, năng động và sáng tạo. Đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ còn mỏng, chưa phát huy được vai trò lực lượng kế cận...

PV: Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thường trực Hội Liên hiệp đã đề ra những giải pháp nào, thưa ông?

NSND Trần Quốc Chiêm: Để tạo dấu ấn sáng tạo mới cho VHNT Thủ đô, Hội Liên hiệp VHNT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó chú trọng các vấn đề: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động về lĩnh vực văn hóa, VHNT đến toàn thể hội viên để định hướng, nâng cao nhận thức, tạo động lực và tư duy sáng tạo cho hội viên và các văn nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, Hội cũng tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động; chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các văn nghệ sĩ, hội viên; nâng cao chất lượng sáng tác tác phẩm; chú trọng công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình; tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tham gia các trại sáng tác, cuộc thi, các chương trình giao lưu, hội thảo; đổi mới hơn nữa công tác thâm nhập thực tế, giúp hội viên tiếp cận sâu rộng đời sống xã hội; tích cực phát hiện, bồi dưỡng, thu hút những tài năng trẻ về VHNT; nỗ lực xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa huy động nguồn lực, kinh phí đầu tư cho phát triển VHNT; hướng dẫn và khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo tác phẩm VHNT, phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của Thủ đô nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà phê bình, văn nghệ sĩ tham gia vào việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng và tạo nguồn xây dựng đội ngũ người làm công tác VHNT chất lượng hơn nữa.

Ngoài ra, Hội cũng sẽ tham mưu, đề xuất Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển VHNT, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực VHNT; xây dựng đề án và cơ chế về lĩnh vực VHNT; nghiên cứu xây dựng và ban hành các đề án về phát triển đội ngũ người làm VHNT và sáng tạo, quảng bá, bảo tồn tác phẩm VHNT Thủ đô giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2030 – 2045; có cơ chế và thực hiện có hiệu quả phương châm, kế hoạch xã hội hóa hoạt động VHNT... đồng thời tiếp tục kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khôi phục Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô 2 năm/lần và lập giải thưởng VHNT hằng năm; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của thành phố trong thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy tài năng sáng tạo.

VHNT là một bộ phận quan trọng của văn hóa có vai trò to lớn trong việc đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước. Ban chấp hành Hội hi vọng rằng, những giải pháp thiết thực này khi được triển khai thực hiện sẽ tiếp sức, tạo đà cho sự phát triển của VHNT Thủ đô, để các văn nghệ sĩ phát huy vị trí, vai trò, tiềm năng của mình trong sáng tạo nghệ thuật.

PV: Chân thành cảm ơn NSND Trần Quốc Chiêm!

Thụy Phương