Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Quán La và chùa Khai Nguyên (quận Tây Hồ)

Sơn Dương (t/h) 16/05/2023 18:16

Đình Quán La và chùa Khai Nguyên thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đình Quán La

Đình làng Quán La xã và chùa làng - tên là Khai Nguyên cùng ở trên một gò đất cao giữa làng, nay thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ.

dinh-quan-la.jpg
Đình Quán La

Sách Tây Hồ chí chép: “Xét ở sách Hùng triều kỷ, thời cổ Hồ Tây thuộc hương Long Đỗ, động Lâm Ấp. Phía Tây đến động Già La (nay là Quán La). Đây là vùng đất cao khá bằng phẳng lại có sông Già La (sau đổi là Thiên Phù) chảy qua. Thời Bắc thuộc, ở đời nhà Đường, nơi đây đã là một trung tâm phồn thịnh, trước cả La Thành”.

Về nguồn gốc của đình chùa cũng như của chính làng này, Tây Hồ chí chép tiếp: “Quán ở trên một gò lớn nhất trong bảy gò Thất Diệu, bên con sông nhỏ thuộc động Già La. Quán thờ Huyền Nguyên đại đế tức Thái Thượng Lão Quân. Khoảng giữa niên hiệu Đường Khai Nguyên (712 - 730), Thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán sang làm Đô hộ Giao Châu. Khi mới đến, ông ta đóng ở đây, đổi tên động thành thôn An Viên. Thấy đất đai bằng phẳng, cây cối lưa thưa, dòng nước Già La uốn lượn, phong cảnh ưa nhìn, nên sai dựng quán. Khi xong, treo biển đề là Khai Nguyên quán, ý muốn khoe công đức nhà Đường. Lại đổi tên thôn theo quán là thôn Khai Nguyên. Thông thường người ta vẫn gọi tên cũ là Già La. Đến triều Lý, quán vẫn còn, các vua thường ra du ngoạn, thấy chân núi có hang tuy không lớn nhưng dài mà sâu, sai lấy gạch đá xây gọi là động Thông Thiền. Tục gọi là Chùa Hang (sau ngoa truyền là nơi người Tàu để của là sai).

Khoảng năm Thiện Phong đời Trần Dụ Tông, có nhà sư Văn Thao trùng tu quán đổi làm chùa lấy tên là chùa An Dưỡng. Sau sư dời đến ở làng Bộ Đầu, nay là Thượng Phúc. Chùa thành hoang phế. Người trong ấp dùng làm đền thờ sơn thần.

Triều Lê lại đổi tên Khai Nguyên ra thành thôn Già La, Hậu Lê lại gọi là ấp Quán La”.

Như vậy làng này ban đầu tên là động Già La, sau đổi thành thôn An Viễn rồi Khai Nguyên. Cuối cùng mới là Quán La.

Khai Nguyên vốn là tên một quán Đạo giáo do bọn quan lại nhà Đường lập ra, nay là chùa Khai Nguyên. Còn cái gọi là Thông Thiền động tức Chùa Hang thì nay gọi là đình làng Quán La Xã.

Đình Quán La xã nằm trên một gò cao ở giữa làng. Đình gồm 3 gian thờ dọc. Hiện dân không giữ được thần tích.

Theo sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880) thì thần có duệ hiệu: Linh phù tuấn lương duệ trang. Đình còn gọi là Chùa Hương vì ở mé ngoài tường bên phải đình có một cái hang. Có lẽ đó là cái mà sách cũ gọi là Thông Thiền động. Xem kỹ hang, sẽ thấy nhiều ngách xây gạch, nóc hang là gạch cuốn hình múi bưởi. Trên gạch có hoa văn quả trám, có viên có cả chữ Hán. Đây là loại chữ riêng in trên gạch ngói. Về hang này từng có nhiều cách giải thích:

- Các cụ già làng thì bảo đây là động thông sâu xuống đất, ngày xưa có nước, thả quả bưởi nó trôi ra tận hồ Tây.

- Một số người hiện nay thì lại cho là địa đạo kháng chiến thời chống quân Nguyên hay quân Minh gì đó.

- Thực ra các nhà khảo cổ từ vài chục năm nay đã cho biết đó là một ngôi mộ cổ có niên đại đời Hán; mộ có ngách mách rằng chủ nhân của nó có vai vế trong xã hội. Các ngách đó coi như các phòng của ngôi nhà, trong đấy vốn đặt các đồ tuỳ táng. Nay mộ phô ra trống trơn như vậy là đã bị đào bới từ lâu.

Không riêng gì ở đây mà suốt một dải từ đây đổ ngược lên Xuân Tảo, Cáo Đỉnh, vài chục năm nay các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều ngôi mộ cổ như vậy. Thực tế này cho phép nhận định rằng vùng phía tây hồ Tây đầu thời Bắc thuộc (thế kỷ I, II) đã là một điểm dân cư lớn. Và như vậy tại Quán La có quán Đạo giáo xây đời Đường (thế kỷ IX) thì cũng dễ hiểu.

Chùa Khai Nguyên

Chùa Khai Nguyên nay được gọi quen là chùa Quán La.

Trong chùa có tấm biển đề: Khai Nguyên tự (chùa Khai Nguyên).

Chuông chùa cũng có tên là: Khai Nguyên tự chung (chuông chùa Khai Nguyên). Kiến trúc cũng như bài trí giống các chùa miền Bắc. Chỉ thêm một pho tượng mà người làng vẫn khẳng định là tượng Đường Minh Hoàng. Nếu quả thực như thế thì tượng được tô vào thời nào? Điều chắc chắn là không phải từ khi Lữ Hoán dựng quán Khai Nguyên, vì phong cách tượng và trang phục đã khiến người ta nghĩ đến xuất xứ khá muộn: đầu thế kỷ XIX là cùng. Đây là một người đàn ông trung niên, mặc áo long bào, đội chiếc mũ mà ông Nguyễn Duy Hinh gọi là Đường Cân và giải thích là loại mũ thường phục của các vua Đường đội trong nhà, không thuộc loại triều phục.

Một điều đáng chú ý ở chùa là có một tấm bia công đức có niên đại Thái Đức thứ 11 (1788). Thái Đức là niên hiệu của Nguyễn Nhạc. Vậy mà năm 1788 ở Thăng Long vẫn là Lê Chiêu Thống trị vì. Sự kiện này thật khó giải thích.

Đình Quán La và chùa Khai Nguyên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)