“Cũ mòn tư duy sáng tạo múa - đừng đổ tại hoàn cảnh”
Làm thế nào để tác phẩm múa ghi dấu ấn trong lòng công chúng; làm thế nào để các biên đạo múa vượt qua những tư duy cũ mòn, có tác phẩm múa “bắt nhịp” với thời cuộc… Đó cũng là những nội dung được đề cập tới trong buổi tọa đàm “Cũ mòn tư duy sáng tạo múa - đừng đổ tại hoàn cảnh” do Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức sáng 17/5, tại Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.
Tại cuộc tọa đàm, Thạc sĩ, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hoa, Trưởng ban biên tập Tạp chí Nhịp điệu của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã có bài thuyết trình về vấn đề “Cũ mòn tư duy sáng tạo múa - đừng đổ tại hoàn cảnh”.
Theo nhà báo Thanh Hoa, thời gian dịch bệnh Covid - 19 hoành hành đó cũng là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung và ngành múa nói riêng. Nhiều nghệ sĩ “loay hoay” tìm “đất” sáng tạo để không khiến trí não mình trì trệ, để khi dịch bệnh qua đi, họ có thể kịp thời “bắt nhịp” và không “tụt hậu” với thời cuộc.
Và thực tế cho thấy dù cường độ sáng tác bị giảm sút nhiều so với thời gian trước khi xảy ra dịch bệnh, những show diễn lớn, quy mô tầm quốc gia, quốc tế bị hạn chế, nhưng nhiều biên đạo múa vẫn năng nổ, tích cực tham gia sáng tác cho các sự kiện nội bộ, nội tỉnh, phục vụ khán giả ở quy mô nhỏ. Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 tại Hải Phòng được tổ chức cuối năm 2021 là một minh chứng. Đã có rất nhiều tác phẩm múa tham gia vào sự kiện này.
Điểm lại những tác phẩm múa đạt giải cao trong kì liên hoan và những tác phẩm lọt “top” giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hoa khẳng định, để có những sáng tác hoàn thiện mang đến Liên hoan, đó là những nỗ lực phi thường của không chỉ riêng biên đạo múa, mà còn là sự cộng hưởng, đồng lòng của cả ekip các nghệ sĩ sáng tạo, biểu diễn, của các nhà quản lí, chỉ đạo nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật.
Tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, thì vẫn còn nhiều “khoảng trống” phía sau những tác phẩm đoạt giải. “Tác phẩm “Sợi duyên tìm bạn” của Biên đạo - NSƯT Xuân Hạnh mới chỉ dừng lại ở “lối mòn” tư duy quen thuộc, chưa thực sự để lại dấu ấn trong tâm trí đồng nghiệp; “Muôn tỏn mua mới” của Biên đạo - NSƯT Trung Hưng là một trong loạt seri tác phẩm về đề tài dân tộc nếu xét về biên độ đặc sắc, sáng tạo thì dường như vẫn chưa đạt ước nguyện như mong muốn; Tác phẩm “Hồn Trống” của cặp biên đạo Tải Đình Hà – Ma Thị Nết của Đoàn Hà Giang chưa khai thác được phần “hồn” của chiếc “Trống Đồng” – một “báu vật” thiêng liêng của bà con nơi đây. Mặt khác, dường như biên đạo lại quá “lạm dụng” các màn leo trèo, tác nghiệp trên thân trống, biến chiếc trống trở thành món “đạo cụ” khiên cưỡng không những không phát huy được giá trị nghệ thuật của tác phẩm...”, nhà báo Thanh Hoa nhận định.
Theo chị, nếu đây là những tác phẩm đạt thứ hạng cao nhất tại Liên hoan và nhận được giải thưởng Nghệ thuật Múa năm 2021 của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam thì quả thật đó là những âu lo, phiền muộn khiến nhiều nhà chuyên môn không thôi trăn trở.
Tại cuộc tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn cũng đã có những phân tích xoay quanh các vấn đề về giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm múa; sự cần thiết phải thoát khỏi “lối mòn” trong tư duy sáng tạo; và đặc biệt là phải giữ được tính dân tộc trong tác phẩm múa.
Theo nhà nghiên cứu phê bình múa Bùi Đình Phiên, trong sáng tạo nghệ thuật sợ nhất là sự cũ mòn, nếu không liên tục học tập, cập nhật thì sẽ lặp lại chính mình. “Thực tế cho thấy, nhiều biên đạo múa hiện nay phải chạy sô theo các sự kiện, hội diễn nên không nhiều thời gian đầu tư cho tác phẩm. Bởi thế việc lặp lại chính mình, cóp nhặt của người khác là điều dễ thấy. Muốn có một tác phẩm múa hay đòi hỏi biên đạo múa phải có tư duy, tầm nhìn…”, nhà nghiên cứu phê bình Bùi Đình Phiên nhấn mạnh.
Nhà giáo nhân dân, Biên đạo múa Minh Phương khẳng định thành công của tác phẩm múa không nhất thiết phải là sự độc lạ mà có khi đến từ sự mộc mạc, dung dị. Theo bà, biên đạo múa cần chọn chủ đề, hình tượng múa sao cho phù hợp; phải khai thác nét văn hóa truyền thống dân tộc, đi vào tâm hồn, tạo nên sự mượt mà cho mỗi tác phẩm, có như thế mới tạo được sức hấp dẫn cho tác phẩm.
Từ thực trạng cũ mòn trong tư duy sáng tạo múa, sự mất phương hướng của nghệ thuật múa chuyên nghiệp, NSƯT Nguyễn Thế Chiến cho rằng cần có sự định hướng của những người có trách nhiệm trong ngành múa. Và câu chuyện sáng tạo –luôn là một thách thức đòi hỏi các nghệ sĩ sáng tạo phải không ngừng tư duy, tìm tòi để bứt phá./.