Đình, chùa Quan Nhân (quận Thanh Xuân)
Đình, chùa Quan Nhân thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Đình Quan Nhân
Đình Quan Nhân còn gọi là đình Mọc hoặc đình Mọc Quan Nhân, thuộc làng Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đình thờ vị thần nhân là Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng Công, cháu đời thứ chín của Hùng Vương; Hùng Lãng Công là con trai thứ của Ninh Hải quận vương, cháu Hùng Hiền Vương, trước kia trấn trị ở huyện Vũ Tiên (Thái Bình), sau về giữ vùng Quan Nhân, lấy bà Trương Mỹ Nương con gái làng Quan Nhân. Ông có công đánh giặc Nam Chiếu và Lục Nam, được phong là Bố Chính.
Tương truyền đình Quan Nhân được xây dựng rất sớm. Hiện nay ở đình còn tấm bia dựng vào năm Chính Hoà thứ 22 năm Tân Tỵ (1701) đời Lê Hy Tông. Đình dựng trên một khu đất cao ráo. Kiến trúc hình chữ “công” gồm có Tam quan, Đại đình, Ống muống (Thiêu hương), Hậu cung. Đại đình 7 gian, xây kiểu “đầu hồi, bít đốc tay ngai”, Thiêu hương 3 gian, Hậu cung 3 gian. Kiến trúc nghệ thuật của đình mang phong cách thế kỷ XVII - XVIII. Trong đình còn một số hiện vật quý như tấm bia đồng khắc thần tích trung nghĩa đại vương Hùng Lãng công.
Chính nơi Tàu Voi của đình là kho thóc thu thuế của Nhật đã được các tổ chức thanh niên cứu quốc, đội tự vệ, quần chúng nhân dân phá kho thóc chia cho dân quanh vùng cứu đói vào ngày 21/7/1945. Tin Việt minh phá kho thóc của Nhật thắng lợi đã làm cho địch hoang mang, nhân dân càng tin tưởng hơn vào cách mạng. Cũng tại đây, vào ngày 16/12/1946, đồng chí Vương Thừa Vũ đã trực tiếp tổ chức, động viên, thành lập một tiểu đội các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô và dự buổi lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ Vệ quốc đoàn.
Đình Quan Nhân mang đậm nét đẹp của một làng quê ven đô, có ao sen và nhiều cây cổ thụ và cây ăn quả.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật năm 1989. Ngày 27/8/2006, đình lại vinh dự được UBND thành phố Hà Nội quyết định gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến.
Chùa Quan Nhân còn có tên chữ là “Sùng Phúc tự”
Do mục đích và giáo lý nhà Phật là nhằm giải thoát con người khỏi bể khổ trầm luân và đem lại sự an lạc về tinh thần nên ở làng Quan Nhân Phật giáo được người dân hết sức mến mộ. Chùa được dựng trên một khu đất rộng, cao ráo, mặt quay hướng Đông Nam, xung quanh khuôn viên có tường bao quanh; quần thể kiến trúc gồm có: Tam quan, tiền đường, tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, nhà trai, ao chùa, bếp, khu phụ và sân vườn.
Hệ thống tượng Phật nhìn chung có đủ các bộ tượng cơ bản trong Phật điện của hệ thống chùa miền Bắc. Ngoài ra còn thấy có 3 bức tranh cổ nghệ thuật thế kỷ XIX, tranh vẽ màu khá độc đáo. Các cuốn thư, cửa võng, câu đối, hoành phi, chuông đồng, bia đá và nhiều đồ thờ tự khác. Chùa ngoài thờ Phật còn thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần, thờ các vị sư tổ. Qua đây chúng ta có thể thấy sự đan xen hài hoà giữa tôn giáo du nhập và các tín ngưỡng dân gian, thể hiện sự tôn trọng lịch sử và phát triển tôn giáo trong sự kế thừa truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Cụm di tích đình chùa Quan Nhân luôn là nơi bảo lưu những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, là nơi tiếp sức, giúp họ vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống hiện tại để hướng về một tương lai tươi sáng, hướng tới xây dựng những giá trị chuẩn mực của cuộc sống.
Với những giá trị hiện còn chùa Quan Nhân đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2002, tổ chức lễ gắn biển di tích cách mạng kháng chiến năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01