Lý luận - phê bình

Nói gì về "văn học queer"?

Lý Uyên 09:15 15/05/2023

Nằm trong chuỗi hoạt động “Những ngày Văn học châu Âu”, “Queer writing - Writing queer” là buổi tọa đàm song ngữ Việt - Anh do Hội đồng Anh tại Việt Nam và Tạp chí Zzz Review tổ chức. Sự kiện vừa diễn ra vào tối ngày 14/5/2023 tại Viện Goethe Hà Nội.

Tham gia buổi trò chuyện có chủ bút trang web văn học Zzz Review – Tiến sĩ văn học, dịch giả Quyên Nguyễn; nhà làm phim độc lập – tác giả Maik Cây; nhà thơ Khải Q. Nguyễn; Joshua Jones - nhà văn đồng tính đến từ Llanelli, South Wales và đông đảo bạn đọc, người hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh tại Việt Nam bày tỏ niềm vui trước những nhộn nhịp của chuỗi hoạt động trong dịp “Những ngày Văn học châu Âu” tại Việt Nam. Bà cũng nhấn mạnh, 2023 là dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương quốc Anh (1973 - 2023) và 30 năm Hội đồng Anh hoạt động tại Việt Nam (1993 - 2023). Văn học Anh nói chung và buổi tọa đàm song ngữ “Queer writing – Writing queer” nói riêng vinh dự góp phần vào dòng chảy giao lưu văn hóa ấy.

Là người sáng lập Zzz Review và nghiên cứu văn học, Tiến sĩ Quyên Nguyễn cho biết: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào LGBT+ ở Việt Nam đang mạnh dần lên qua các hoạt động từ điện ảnh, hội họa đến nhiếp ảnh… với nhiều chủ đề, hình thức khác nhau nhưng về văn học thì dường như còn yên ắng, tới nay vẫn chưa có buổi nói chuyện chính thức nào chuyên về đề tài LGBT+ mà tạm gọi là văn học queer. Cũng bởi thế chị đã đề xuất ý tưởng với Hội đồng Anh để tổ chức buổi trò chuyện “Queer writing – Writing queer”. Và đây cũng là buổi nói chuyện văn học đầu tiên về đề tài này ở Việt Nam.

“Queer” là gì? Nên hiểu thế nào về “queer”?

“Queer” là một từ tiếng Anh, có nghĩa đen là “lạ lùng”, “kỳ quặc”, “lệch pha”… Ban đầu, “queer” còn là từ lóng (Mỹ) chỉ để chỉ những người đồng tính luyến ái nam. Nhưng theo thời gian, nhất là tới những năm đầu 1990, “queer” trở thành một thuật ngữ giới tính để chỉ những người không phải là trai thẳng hoặc không phải là gái thẳng. Và cho đến hiện nay, nhắc tới “queer” còn được hiểu là một nhóm đối tượng chưa thể gọi tên (gắn nhãn) giới tính/ xu hướng tính dục cụ thể là gì. “Queer” cũng được sử dụng với nghĩa “còn chưa định danh”, không chỉ riêng dành cho giới tính. Vì thế, thật khó để dịch “queer” ra tiếng Việt một cách trọn vẹn nghĩa.

Trong nhiều năm qua, cộng đồng LGBTQIA+ đang dần có nhiều ảnh hưởng tới văn hóa nghệ thuật. Trong văn học đã có những gương mặt nổi lên và để lại những dấu ấn mạnh mẽ qua tác phẩm của họ. Nhưng nói đến dòng văn học queer, chúng ta đã và đang nhìn nhận như thế nào?

Thuộc thế hệ 8X, được biết đến nhiều tác phẩm về đề tài "queer", tác giả Maik Cây cho rằng, “queer” không chỉ là câu chuyện về danh tính con người mà còn là một đường thoát, không chỉ về giới hay giới tính, định danh tính dục mà định danh con người. “Queer” cho phép con người đi khỏi những thể chế, trói buộc thân phận.

Còn đối với Khải Q. Nguyễn - Thạc sĩ nghiên cứu văn chương và văn hóa từ các trường đại học Perpignan (Pháp), St Andrews (Scotland) và Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) quan niệm “queer” đơn giản là ý niệm về sự khác biệt, tự do là chính mình, tự do những mong muốn về thể xác và tinh thần. Với anh, “queer” tạo ra cảm giác về một cộng đồng không có sự chèn ép với nhiều quy tắc.

Là người thuộc cộng đồng LGBT+, theo nhà văn Joshua, “queer” mang nghĩa là một cộng đồng, nơi có thể tìm thấy điểm chung, là nguồn ánh sáng cho cá nhân anh. Và với anh khi ngoài cộng đồng đó, nhắc tới “queer” cũng mang nhiều ý nghĩa khác, trong đó là sự chào đón, sự chúc mừng.

Với Tiến sĩ Quyên Nguyễn thì không nên cố gắng dịch chữ “queer” ra tiếng Việt, dù nghe có vẻ hơi lai căng và tây hóa. Cũng theo chị, giữ nguyên “queer” trong diễn đạt sẽ mang tính phổ quát và dễ nhận diện hơn việc dịch “queer” sang tiếng Việt bằng các từ ngữ giới hạn như “lệch pha”, “lập dị”…

tao-dam-q.jpg
Tọa đàm “Queer writing - Writing queer”

"Văn học queer” hiện nay

Giống như bao người khác thuộc thế hệ 8x trở về trước, các diễn giả Quyên Nguyễn, Khải Q. Nguyễn, Maik Cây đều lớn lên trong cùng một nền giáo dục phổ thông. Vì thế đối với họ, các khái niệm về LGBT+ hay “queer” hay văn học queer ban đầu đều rất xa lạ và mới mẻ.

Tiến sĩ Quyên Nguyễn cho biết, tác phẩm văn học đầu tiên chị biết đến viết về LGBT+ đó là truyện ngắn Brokeback Mountain của Annie Proulx (sau này được chuyển thể thành bộ phim cùng tên nổi tiếng của đạo diễn Lý An). Và sau đó là các tác phẩm văn học khác trong quá trình nghiên cứu, dịch thuật của chị.

Nhắc tới văn học queer, sau Brokeback Mountain, nhiều độc giả sẽ nhớ ngay tới các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng đã được xuất bản tại Việt Nam như Call me by your name (Gọi em bằng tên anh) và tập sau đó là Find me (Tìm em nơi anh) của cùng nhà văn người Mỹ André Aciman do Nxb Trẻ giới thiệu. Cuốn sách tiếp theo có thể kể tên là tác phẩm đoạt giải Booker 2020 - Shuggie Bain (Chiếc linh hồn nhỏ) do Huy Hoàng Books liên kết Nxb Văn học ấn hành. Đặc biệt, ít ai biết rằng, để những cuốn sách này được nhanh chóng và kịp thời xuất bản giới thiệu tại Việt Nam là những nỗ lực của Khải Q. Nguyễn khi anh còn là biên tập viên của Nxb Trẻ và là người giới thiệu bản quyền cho các đơn vị xuất bản phát hành khác.

Nhắc tới văn học queer ở Việt Nam, anh Khải Q. Nguyễn nhắc tới tiểu thuyết Song song của tác giả Vũ Đình Giang, xuất bản lần đầu năm 2007 và tái bản năm 2011. Theo anh, đó là tác phẩm hư cấu đồng tính hay nhất bằng Việt ngữ.

Phải nhắc lại rằng, trong bối cảnh khoảng 15 – 20 năm trở về trước ở nước ta, chủ đề đồng tính thường gắn liền với những hình ảnh tha hóa, xấu xa, hủ bại và bệnh tật. Nhưng trong bối cảnh hiện tại ở nước ta, nhất là trong khoảng năm năm trở lại đây, cộng đồng LGBTQIA+ và chủ đề liên quan đã được đón nhận với tinh thần cởi mở hơn, nhiều đồng cảm hơn. Chúng ta có thể nhìn thấy thực trạng này ở các dòng truyện đam mỹ (cặp nam – nam yêu nhau), bách hợp (cặp nữ - nữ yêu nhau), hoặc là fanfiction (dòng truyện do người hâm mộ viết tiếp số phận cho các nhân vật trong các tác phẩm họ thích)…

Tác giả Maik Cây chia sẻ, đề tài "queer" đến với chị rất tự nhiên như một món quà chứ không vì một mục đích nào cả, dù chị tự nhận rằng mình là con người thiên về sẵn sàng đấu tranh. Qua những sáng tác của một nhà thơ người Mỹ, sau đó là thơ của Ocean Vuong đã khiến chị thấy rằng họ như một vầng sáng để ngưỡng mộ và học hỏi.

Có rất nhiều nhà văn viết về văn học queer mà bản thân họ là người thuộc cộng đồng LGBTQIA+. Nhưng điều đó cũng không nhất thiết. Tiến sĩ Quyên Nguyễn chia sẻ, chị đọc tác phẩm đó chỉ bởi vì đó là văn chương, và “queer” chỉ là một trong muôn vàn đề tài khác nhau mà văn học nghệ thuật hướng tới khai thác.

Nhưng một nhà văn không thuộc cộng đồng LGBTQIA+ viết về đề tài “queer” liệu có bị phán xét là không đủ thấu hiểu và công tâm? Những nhà văn này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều cản trở và khó khăn, đến từ trải nghiệm cá nhân và nhìn nhận của xã hội. Và trong thời đại đa phương tiện, đa góc nhìn, liệu chúng ta có nên chắc chắn về một “giá trị văn chương” vốn được mặc định gọi tên/ gắn nhãn theo cổ điển, theo quan niệm truyền thống suốt hàng trăm năm qua? Chúng ta nên phản tư như thế nào để có thể nhận định rằng một tác phẩm có giá trị văn chương, khi bản thân tác phẩm đó xuất hiện dưới hình dạng, đề tài hoàn toàn mới lạ mà trong các giá trị truyền thống thậm chí chưa từng nghĩ tới?./.

Lý Uyên