Tác giả - tác phẩm

“Dân du mục”: Bộ tiểu thuyết về Kazakhstan

Yến Ly 16:21 14/05/2023

Sáng ngày 14/5/2023, tại Phố Sách 19/12, Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Dân du mục – Khúc tráng ca thảo nguyên” do Nxb Phụ nữ Việt Nam và Đại sứ quán Kazakhstan tổ chức.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Yerlan Baizhanov - Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam và Đại sứ các nước: Nga, Belarus, Azerbaijan, Armenia tại Việt Nam. Cùng với đó là bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng biên tập Nxb Phụ nữ Việt Nam; bốn dịch giả của bộ sách: Nguyễn Ngọc Hùng, Trần Bích Thư, Lê Đức Mẫn, Nguyễn Văn Chiến và đông đảo bạn đọc, người yêu sách.

hmm.jpg
Buổi tọa đàm "Dân du mục - Khúc tráng ca thảo nguyên"

Phát biểu tại sự kiện, bà Khúc Thị Hoa Phượng gửi lời cảm ơn tới Đại sứ quán Kazakhstan đã đồng hành với Nxb Phụ nữ Việt Nam (Nxb) trong quá trình giới thiệu bộ tiểu thuyết sử thi lớn nhất của Kazakhstan đến bạn đọc Việt Nam. Và đặc biệt là ngài Imangali Tasmagambetov, cựu Thủ tướng nước Cộng hòa Kazakhstan đã cho phép sử dụng bộ sưu tập tranh cá nhân để làm minh họa trong bộ sách do Nxb ấn hành.

Dân du mục của nhà văn Ilyas Yesenberlin (1915 - 1983) là bộ tiểu thuyết gồm 3 tập: Tập 1 - Thanh kiếm yêu thuật viết về Kazakhstan trong thế kỷ 15 - 16 với thời gian hình thành của hãn quốc Kazakh và những cuộc tranh giành ngai vàng giữa các bộ tộc; Tập 2 - Tuyệt vọng là nội dung viết về Kazakhstan ở thế kỷ 17 – 18 cùng những cuộc chiến chống thù trong giặc ngoài và những thăng trầm khi người Kazakh thành công dân của đế quốc Nga; Tập 3 - Hãn Kene là câu chuyện của người Kazakh trong thế kỷ 18 – 19 với điểm nhấn xoay quanh nhân vật Kenesary Kasymuly – vị hãn cuối cùng của người Kazakh trong những nỗ lực xây dựng mối đoàn kết dân tộc.

bo-sach-an-ban-bia-cung.jpg
Bộ tiểu thuyết "Dân du mục"

Nuôi ý định viết một tác phẩm về dân du mục Kazakh từ năm 1945 nhưng phải sau 15 năm nghiên cứu các tài liệu lịch sử văn hóa, tới năm 1960, nhà văn Ilyas Yesenberlin mới bắt tay vào viết và bộ sách được hoàn thành năm 1969. Ba tập sách lần lượt được xuất bản trong những năm 1969 – 1973. Điều thú vị là thứ tự xuất bản của bộ sách lại bắt đầu từ Tập 3 – Hãn Kene (1969) rồi tới Tập 1 – Thanh kiếm yêu thuật (1971) và Tập 2 – Tuyệt vọng được xuất bản cuối cùng (1973).

Theo chia sẻ từ phía Nxb, bộ sách được các dịch giả dịch trong gần 2 năm và tổng thời gian để bộ sách được xuất bản phát hành là gần 3 năm, ra mắt độc giả vào cuối năm 2022. Các dịch giả đều là các bậc Tiến sĩ, giảng viên, nhà giáo ưu tú tại các trường Đại học và đã có hàng chục đầu sách dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt.

aa.jpg
Các dịch giả ký tặng sách

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, dịch giả Lê Đức Mẫn cho biết đây là một tác phẩm khó dịch nhất đối với ông từ trước tới nay. Cũng chính vì thế mà ông đã mất nhiều thời gian hơn so với các đầu sách khác đã dịch trước đó. Ông bày tỏ sự tự hào và vinh dự khi được là một trong những số ít các dịch giả đưa văn học Kazakhstan vào Việt Nam. Ông cũng hi vọng những nỗ lực, công sức của nhóm dịch giả với bộ sách này góp phần có ích trong việc giới thiệu, lan tỏa văn hóa, lịch sử Kazakhstan tới độc giả Việt Nam.

Nhắc tới những thú vị trong quá trình chuyển ngữ bộ sách này, dịch giả Nguyễn Ngọc Hùng cho hay: Trong tác phẩm có nhiều tục ngữ, ca dao mang đậm văn hóa người Kazakh. Khi dịch, ông đã luôn bám sát văn bản ngoại ngữ và chuyển ngữ làm sao để giữ đúng tinh tinh thần, văn hóa Kazakhstan. Ví dụ như người Kazakh có câu thành ngữ đại ý ví đôi mắt của người phụ nữ như mắt lạc đà. Đó là một lời khen, nói về vẻ đẹp của đôi mắt. Câu này có thể hiểu song song theo lối nói người Việt là “đôi mắt đen hạt nhãn” – nhưng nếu dịch thành như thế thì đã đánh mất dấu ấn văn hóa dân du mục Kazakh. Đối với dân du mục Kazakh, lạc đà là loài động vật thân thiết và có nhiều gắn bó và cũng đối với họ, đôi mắt lạc đà mới là một đôi mắt đẹp.

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam bày tỏ sự trân trọng, biết ơn đối với các dịch giả và rất thông cảm với những khó khăn mà nhóm dịch giả gặp phải. Ông cũng chia sẻ thêm rằng, người Kazakhstan có một câu tục ngữ rằng “Tôi ngồi trên lưng bạn nhưng tôi nhìn thấy mặt trời”. Câu này được hiểu theo nghĩa đen là nhờ ngồi lên lưng bạn mà tôi sống dư dả. Nếu ai không hiểu văn hóa, lịch sử hoặc chỉ đơn giản là chưa hình dung được vị trí địa lý của Kazakhstan thì sẽ cảm thấy câu này thật khó hiểu. Chưa kể, bộ sách mà các dịch giả Việt Nam chuyển ngữ lại từ tiếng Nga nên càng nhiều khó khăn hơn. Nhưng cũng có thể nói rằng, tiếng Nga đã góp phần làm cầu nối văn hóa đưa văn học Kazakhstan tới Việt Nam.

Ông đánh giá cao bộ sách do Nxb ấn hành ở cả hai phiên bản bìa cứng và bìa mềm. Ông cũng chia sẻ thêm rằng, khi ông đưa ấn bản tiếng Việt về giới thiệu ở đất nước Kazakhstan, mọi người đã thốt lên rằng, đây không chỉ là sách mà là một tác phẩm nghệ thuật.

anh-ky-niem.jpg
Ban tổ chức sự kiện chụp ảnh kỷ niệm cùng các dịch giả và các vị khách mời

Dưới góc nhìn của một độc giả và cũng là một nhà nghiên cứu giáo dục lịch sử, anh Nguyễn Quốc Vương cho rằng: Văn học, văn hóa Kazakhstan đối với người Việt Nam vẫn còn khá xa lạ, nhất là phần đọc tên các nhân vật trong tác phẩm. Vì thế, để đọc cuốn sách dễ dàng hơn, theo anh các độc giả nên chuẩn bị thêm vốn văn hóa lịch sử của dân du mục nói chung và người Kazakh nói riêng hoặc có thể vừa đọc vừa tra cứu tìm hiểu thêm.

Anh Nguyễn Quốc Vương cũng gợi ý đề xuất phía Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam giới thiệu thêm cho Nxb các đầu sách khác về lịch sử, văn hóa Kazakhstan với dung lượng mỏng hơn cho đại chúng người Việt Nam dễ tiếp cận hơn.

Điều phối buổi tọa đàm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định: Để đọc một tác phẩm được trọn vẹn hơn, việc tìm hiểu trước về văn hóa nền tảng mà nội dung cuốn sách đề cập đến rất quan trọng và cần thiết. Ông cũng hi vọng những giá trị mà cuốn sách mang lại sẽ đem đến nhiều hứng thú với độc giả Việt và góp phần lan tỏa văn hóa đọc./.

Yến Ly