Thế giới điện ảnh

Theo dòng lịch sử cùng “Hồng Hà nữ sĩ”

Vân Thảo 11/05/2023 20:56

Đoàn Thị Điểm là bậc nữ lưu tài sắc vẹn toàn thời Lê Trung Hưng, là tác giả bản Nôm của tác phẩm “Chinh phụ ngâm” và nhiều áng văn chương nổi tiếng khác. Đã có nhiều nghiên cứu về bà nhưng lần đầu tiên cuộc đời của bà được đưa lên màn ảnh là bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ” của nhà sản xuất kiêm biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Đây là dự án phim điện ảnh được nhà nước tài trợ đặt hàng trong năm 2022 cùng với phim “Đào, Phở, Piano” (biên kịch, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn).

hong-ha-nu-si-1.jpg
Một cảnh quay trong phim có sự tham gia của người dân Vũ Thư, Thái Bình

Bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ” tái hiện cuộc đời Đoàn Thị Điểm với nhiều cột mốc quan trọng: Khi còn trẻ, Đoàn Thị Điểm đã chấp nhận gác cái tôi cá nhân để chu toàn cho gia đình. Bà giã từ cuộc sống phồn hoa chốn kinh kỳ để về quê làm nghề bốc thuốc. 30 tuổi, bà gặp tiến sĩ Nguyễn Kiều, người đã có gia đình và có con riêng. Sau khi hai người kết hôn, ông Nguyễn Kiều đi sứ Trung Quốc, bà ở nhà chăm sóc, nuôi dạy con thay chồng. Quá buồn nhớ người đi xa, bà đã dịch “Chinh phụ ngâm”. Khi tiến sĩ Nguyễn Kiều được phân vào vùng Nghệ An, Đoàn Thị Điểm đã đi theo chồng. Trên đường đi, bà ốm và qua đời ở tuổi 43. Chỉ sống hơn 40 năm nhưng Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã kịp làm được nhiều điều, cả trong văn học nghệ thuật và đời sống. Phim cũng đề cập đến tình bạn tri âm tri kỷ giữa Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiết lộ có hai lý do khiến bà quyết định viết kịch bản phim “Hồng Hà nữ sĩ”. Trước tiên, vì đó là người cùng quê Hưng Yên với bà. Lý do thứ hai là bên cạnh Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Anh – những nữ văn sĩ tài hoa, nổi tiếng cùng thời thì Đoàn Thị Điểm được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp lẫn tài năng. Không chỉ giỏi văn chương thơ phú, Đoàn Thị Điểm còn thạo việc nữ công gia chánh và có đời sống khá nghiêm ngắn. Đoàn Thị Điểm không chỉ là người dịch xuất sắc “Chinh phụ ngâm” từ chữ Hán ra chữ Nôm mà còn là tác giả của nhiều cuốn sách quý, bổ ích. Vì câu chuyện cuộc đời phong phú ấy của bà nên nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tin rằng khi lên phim sẽ có nhiều điều để khai thác.

Bên cạnh đó, việc tái hiện câu chuyện cuộc đời một nữ sĩ tài hoa, xinh đẹp, đoan trang, hiếu thảo như một cách “lấy người xưa làm gương để người nay soi vào”, tác giả kịch bản cho biết: “May mắn và cũng do thời cơ đã chín, trời đất xui khiến tôi lại “chạm” được vào bà - người phụ nữ cùng quê sống cách đây hơn 3 thế kỷ. Xinh đẹp tài ba hiểu nhiều biết rộng, tinh tường chữ Hán chữ Nôm mà không kém phần lận đận, muộn mằn đường hạnh phúc; dù số phận nơi dương thế ngắn ngủi nhưng đã kịp để lại bao nhiêu tiếng thơm về đức hy sinh, về đạo nghĩa ở đời. Bà là Hồng Hà nữ sĩ - nhà thơ Đoàn Thị Điểm”.

hong-ha-nu-si-2.jpg
Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát (giữa) chụp ảnh kỷ niệm cùng 2 diễn viên chính trong phim.

Sau 3 năm theo đuổi dự án, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và ekip đã đưa “Hồng Hà nữ sĩ” lên màn ảnh với bối cảnh chính sẽ được quay tại Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh… Ở Hưng Yên, quê hương của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đoàn làm phim chọn bối cảnh quay tại rặng nhãn, bến sông (cảnh Đoàn Thị Điểm đi đò dọc để về chịu tang bố), Văn Miếu, đền Mẫu (cảnh hai ông bà Nguyễn Kiều – Đoàn Thị Điểm tỏ tình). Những hình ảnh cảnh kết phim được quay tại mộ phần thật của ông bà ở Phú Thượng trong khu vườn nhà cụ Nguyễn Kiều, nơi vẫn còn người cháu đời sau chăm sóc. Một trong những cảnh khắc họa tình bạn tri âm tri kỷ giữa Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn là cảnh Đặng Trần Côn khóc bên mộ Đoàn Thị Điểm, nói rằng bản chữ Hán của ông chết đi trong bản dịch của bà.

Nhà biên kịch kiêm giám đốc sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát còn tiết lộ thêm rằng: Phần nội dung có nhiều nét văn hóa đặc sắc để làm bật lên cái long lanh hồn Việt của phim. Đoàn phim đã mời tiến sĩ Nguyễn Quang Thắng (Viện Hán Nôm) làm cố vấn Hán Nôm cho phim. PGS-TS Băng Thanh là chuyên gia Hán Nôm, nghiên cứu rất sâu sắc về Hồng Hà nữ sĩ tham gia góp ý kịch bản.

Đây là bộ phim về danh nhân văn hóa nên đoàn phim “Hồng Hà nữ sĩ” được địa phương, tỉnh nơi đoàn chọn làm bối cảnh quay rất quan tâm. Tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đoàn phim đã dựng hẳn ngôi nhà lá ba gian hai chái rất đẹp để tái hiện đời sống nâu sồng đạm bạc thanh bần - cũng là lối sống thanh tao của các nhà nho - Nơi các cụ thân sinh ra Hồng Hà nữ sĩ sống và làm nghề dạy học bốc thuốc. Được biết, khu trường quay này sẽ được gìn giữ, nâng cấp thành điểm du lịch của huyện Vũ Thư nói riêng và của tỉnh Thái Bình nói chung, theo tour chùa Keo - Bảo tàng hậu chiến của nhà văn Minh Chuyên và trường quay các phim về danh nhân (Phim “Đại thi hào Nguyễn Du” cũng từng quay ở đây).

Làm một bộ phim xưa, thuần Việt như “Hồng Hà nữ sĩ” không đơn giản, đòi hỏi nỗ lực và sự cố gắng cao nhất của các nhà làm phim. Đó chính là lý do điện ảnh Việt có ít bộ phim về đề tài này. Được biết, mỗi ngày quay trên trường quay “Hồng Hà nữ sĩ”, các diễn viên và tổ hoá trang phải dậy từ 4 giờ sáng để hóa trang và làm râu tóc. Phục trang chuẩn bị quần áo giày dép phụ kiện cho các nhân vật cũng không nhàn hơn chút nào. Ngoài các nhân vật chính phải thay đổi hàng chục bộ theo bối cảnh, gia cảnh, thời gian khác nhau thì nhân vật thứ chính, nhân vật phụ và quần chúng trong phim khá nhiều. Và nếu phục trang không chuẩn bị kịp thì không thể quay được. Vì thế, họa sĩ phục trang Phạm Thu Hường cùng các cộng sự của chị không chỉ cắt may mà còn đi theo đoàn phim 24/24 để soạn, là, treo mắc các bộ phục trang cho từng bối cảnh có nhân vật xuất hiện, đảm bảo đúng “rắc-co”.

hong-ha-nu-si-3.jpg
Cảnh Tiến sĩ Nguyễn Kiều đi sứ

Chia sẻ về trọng trách của một nhà sản xuất, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết: “Làm một bộ phim thuần Việt rất công phu, tốn nhiều công sức và tiền của. Vì bối cảnh và trang phục trong phim lịch sử cổ trang là quan trọng hàng đầu nên hai vị trí hóa trang và phục trang vất vả hơn phim hiện đại nhiều. Công việc của các họa sĩ bối cảnh cũng vậy và còn rất nhiều người khác nữa. Mỗi người đều có việc và phận sự của mình trên con thuyền chung. Về phần tôi, mỗi lần sinh ra được một đứa con tinh thần, là kịch bản phim, nếu có điều kiện, tôi đều đi theo nó với từng bối cảnh với hầu hết cảnh quay, để ý từng chi tiết nhỏ, từng nụ cười khóe mắt của diễn viên… cho đến khi đứa con tinh thần của mình có đời sống trọn vẹn trên màn ảnh mới thôi. Chưa hết, phim xong rồi không biết khán giả sẽ đón nhận ra sao? Ra rạp sẽ như thế nào cũng là thách thức không nhỏ. Cứ mải miết đi cùng những hồ hởi, mệt nhọc, vất vả nhưng tôi tin rằng nếu cứ làm việc bằng hết cái tâm của mình thì mọi việc sẽ tốt đẹp.”

Hiện phim “Hồng Hà nữ sĩ” đã hoàn tất phần ghi hình và bước vào khâu hậu kỳ để có thể ra mắt khán giả trong năm nay. Đội ngũ sản xuất phim là đạo diễn: NSƯT Nguyễn Đức Việt; DOP - đạo diễn hình ảnh: NSND Vũ Quốc Tuấn; họa sĩ thiết kế: Nguyễn Mạnh Đức, Nguyễn Trung Phan. Bên cạnh dàn diễn viên trẻ Anh Đào trong vai Đoàn Thị Điểm, Vĩnh Xương vai tiến sĩ Nguyễn Kiều là các tên tuổi gạo cội của điện ảnh Việt như NSƯT Nguyễn Anh Thái (vai chủ hàng vải ở kinh thành Thăng Long xưa), NSND Trung Anh, NSND Lê Khanh (vai vợ chồng quan Thượng thư Lê Anh Tuấn).

Ngoài những cảnh quay tại Hưng Yên, Thái Bình, đoàn phim còn quay tại Nhật Tân, Phú Thượng (Hà Nội) và Sơn La, Thanh Hóa./.

Vân Thảo