Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phú Văn (huyện Mỹ Đức)

Sơn Dương (t/h) 10:35 09/05/2023

Đình Phú Văn thuộc xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Các vị bô lão trong làng kể lại rằng: Vào thời vua Duy Tân năm thứ 4 (1910), làng Phú Văn được hình thành. Khi ấy, 12 gia đình đến nơi đây lập nghiệp, mở làng gọi là Bột Trại. Song song với việc khai hoang lập ấp, dân làng đã rước Thành hoàng từ đền quán Trung về thờ tại đình làng. Đình làng nhìn về hướng nam, phía trước là đầm nước Tảo Khê.

Đình Phú Văn được tọa lạc trên một thế đất đẹp ở ngoài làng gồm Nghi môn, bức bình phong, tòa Đại bái và Hậu cung. Nghi môn gồm hai trụ biểu lớn thắt quả dành, phía trên trang trí hình đèn lồng, phía dưới khắc những câu đối giới thiệu sơ lược về cảnh quan và vị thế của ngôi đình. Từ hai trụ biểu lớn nối ra hai trụ biểu nhỏ, ở giữa được đắp tượng chầu hầu. Từ cổng vào qua một khoảng sân là tới Đại bái. Đại bái đình Phú Văn là một hạng mục công trình gồm 3 gian 2 chái tường xây hồi bít đốc hai mái chảy lợp ngói ri. Nối từ gian giữa là tòa Hậu cung, tạo cho ngôi đình có kết cấu kiến trúc chữ “đinh” được làm hai gian nhà dọc, bên trong xây cuốn vòm gôtic phương Tây đơn giản. Hậu cung được chia làm hai phần, ngăn cách bởi hệ thống cửa bức bàn, phần ngoài đặt ban thờ, trên đặt một số đồ thờ tự như mâm bồng, bát hương, ống hương... Phần trong là nơi thờ Thánh.

Bấy giờ, có hai anh em họ Nguyễn đã lập gia đình nhưng mãi vẫn hiếm muộn con, ngày xuân thường đi chơi trên núi Tản Lĩnh và gặp một vị tiên ban phúc. Ít lâu sau, vợ chồng người anh sinh được một người trai và đặt tên là Nguyễn Tuấn, còn người em sinh được hai người con đặt tên là Sùng Công và Hiển Công. Đến năm 17 tuổi thì cha mẹ đều chết cả. Sau khi để tang 3 năm, anh em cùng nhau lên núi và làm con nuôi Thần nữ họ Ma.

Lúc đó đất nước ta có giặc Thục, vua phong cho hai ông làm Tả hữu đô đốc đài đại phu, hai ông đã giúp vua đánh tan quân xâm lược. Thắng trận về vua mở tiệc mừng công và tôn hai ông làm Cao Sơn đại vương Thượng đẳng thần và Quý Minh đại vương Thượng đẳng thần.

Đình Phú Văn, còn bảo lưu được: 1 cỗ long ngai bài vị thờ đức Tản Viên Sơn đệ nhất Nguyễn Tùng Công, 1 long ngai, tượng đệ nhị Tản Viên Sơn Thánh Nguyễn Hiển Công, 1 kiệu song hành, 2 cuốn thần phả và 8 sắc phong.

Lễ hội ở đình Phú Văn được tổ chức chính vào ngày 15 tháng giêng âm lịch hằng năm (theo truyền thống ba năm một lần, định kỳ là ngày 15 tháng một âm lịch giao hữu giữa ba thôn Bột Xuyên, Phú Văn và Mỹ Tiên).

Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 2005./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)