Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phú Gia (quận Tây Hồ)

Sơn Dương (t/h) 09:51 08/05/2023

Đình Phú Gia thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đình Phú Gia là tên gọi theo địa danh làng Phú Gia. Trước đây đình có tên gọi khác là đình Khai Nguyên, quán Già La. Nay đình thuộc cụm 4, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đình Phú Gia thờ vị tướng thời Hùng Vương thứ sáu đã có công đánh giặc cứu nước làm Thành hoàng.

Căn cứ vào 2 cuốn thần phả còn lưu giữ tại đình và theo sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên thì thần có tên là Nhự hay còn gọi là “Thần Bà Già”, tục gọi “Thần Khai Nguyên”. Khi thần đi đánh giặc Ân bị giặc chém vào cổ ngả về một bên vẫn phi ngựa về làng, ngài bèn hỏi bà quán nước “cổ tôi thế này liệu còn sống được không”. Bà hàng nước trả lời “Ngài có người nhà trời mới sống được”. Sau đó ngài phi ngựa về đến đầu làng Phú Gia thì chết. Dân làng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ngài.

Sách Việt điện u linh viết: Thời Khai Nguyên (713 - 739) nhà Đường, thứ sử Quảng Châu là Lư Ngư sang đô hộ nước ta đóng ở thôn An Viễn. Một hôm đi chơi thấy chỗ đất bằng phẳng, cây cối tốt tươi, có sông Già La tổ sơn dẫn mạch. Lư Ngư sai lập phủ lỵ và dựng đền thờ Huyền Thiên Đế Quân. Một đêm Lư Ngư lại mơ ông cụ già đến bảo rằng “Quán này nên đặt là Khai Nguyên, thôn này cũng đặt là thôn Khai Nguyên, dựng bia để biểu dương công đức của thần”.

Trải qua thời gian tồn tại trong lịch sử, một bộ phận kiến trúc của đình không còn nữa. Đình Phú Gia hiện nay gồm 5 gian nhà gỗ xây kiểu đầu hồi bít đốc. Đình vẫn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá nghệ thuật. Nhiều di vật cổ có giá trị bao gồm: 2 cuốn thần phả, 12 đạo sắc phong, 7 bức hoành phi, 11 câu đối, 2 nhang án. Ngoài ra còn có rất nhiều đồ thờ tự có giá trị khác như: bát bửu, y môn, cửa võng, long đình...

Hàng năm dân làng rước bài vị từ đình về cây táo để làm lễ tế thần. Các triều đại về sau đều sắc phong cho thần là “Cứu nước, cứu dân, âm phù, dương trợ, dân tình yên ổn”.

Ngày 10 tháng giêng dân làng lại tổ chức lễ hội rước nước. Trong những ngày lễ hội, các trò chơi dân gian, diễn xướng văn nghệ tạo nên không khí sôi động, hát chèo, hát quan họ, diễn các tích, các trò chơi cờ bỏi, chọi gà...

Đình Phú Gia đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2003./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)