Danh thắng & Di tích Hà Nội

Miếu Ông (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 21:37 06/05/2023

Miếu Ông thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Miếu Ông tại xóm Chua và xóm Quếch, thờ Hùng Huề là em ruột Lạc Long Quân với mỹ tự là Quang Ánh chính thần. Ngôi miếu này được gọi theo dân gian là miếu Ông. Theo truyền thuyết, xưa kia Hùng Huề thay Lạc Long Quân và Âu Cơ dạy dân Bảo Cựu (Bình Đà ngày nay) cấy lúa, trồng bông, chăn tằm, dệt vải, thuần dưỡng gia súc gia cầm... Gà, vịt có lẽ là loại gia cầm khó thuần dưỡng, phải có lồng, bu để nhốt thì mới không bị mất. Hùng Huề đã chọn người đan lồng, đan bu, tập trung ở khu vực đỉnh Cao Sơn, nay là nền miếu để hướng dẫn mọi người cùng làm. Vì vậy, đan lát trở thành một nghề thiết thực cho cuộc sống của cư dân và ngày càng phát triển.

Nhìn tổng thể, ngôi miếu có bố cục kiểu chữ “đinh” gồm toà Đại bái và Hậu cung. Cổng được làm kiểu cổng pháo cuốn vòm giả 2 tầng 8 mái. Phần cổ diêm giữa hai mái đắp ba chữ Hán: “Miếu Ông tự”, thân trụ soi gờ chạy chỉ, bên trong đắp đôi câu đối có nội dung ca ngợi đạo đức, lễ nghĩa của con người và cảnh quan nơi đây. Qua một khoảng sân lát gạch ta tới nhà Đại bái gồm 3 gian được làm kiểu tường xây, hồi bít đốc tay ngai với hai mái chảy. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, ở chính giữa bờ nóc là mặt trời, hai đầu bờ nóc gắn hai con Makara, mặt ngoài tường hồi Đại bái đắp vẽ hình hổ phù uy nghi. Hai tay ngai chính là hai cột đồng trụ được nối liền với tường hồi Đại bái bằng hai bức tường lửng. Cột đồng trụ có tiết diện vuông, trên đỉnh cột đắp nghệ chầu với tư cách kiểm soát tâm linh khách hành hương. Tiếp đến là mặt sập hổ phù, bốn góc có bốn đầu rồng vươn ra bốn hướng uy nghi. Bên dưới là ô lồng đèn đắp các gờ chỉ nổi, một bên ô lồng đèn trang trí tích tứ linh, bên kia là tứ quý. Vào bên trong, các bộ vì đỡ mái nhà Đại bái được làm thống nhất theo kiểu “kèo kẻ quá giang trốn cột”. Các bộ vì này hầu hết được bào trơn đóng bén, soi gờ chỉ thiên về bền chắc. Các yếu tố trang trí hoa văn ít nhưng căn cứ vào dòng chữ Hán trên thượng lương “Hoàng triều Bảo Đại ngũ niên tuế thứ Canh Ngọ thất nguyệt thập nhị nhật Đinh Tỵ bài thụ thượng lương đại cát” và tấm bia “Chu đình bi ký” ghi về việc đặt hậu cũng được dựng năm Bảo Đại thứ 5 (1930) ta có thể khẳng định rằng ít nhất cách ngày nay hơn 70 năm đã có ngôi miếu này và kiến trúc ở đây mang đậm phong cách thời Nguyễn muộn. Hậu cung được nối liền từ gian giữa Đại bái vào. Bên trong Hậu cung được xây bệ gạch cao, làm nơi đặt các đồ thờ tự như: mâm bồng, bát hương và cỗ long ngai bài vị. Đây là một di vật quý, có niên đại vào thế kỷ XIX. Cỗ long ngai được sơn son thếp vàng, tay ngai chạm hình một đầu rồng, thân là 6 chấn song con tiện, trên đó chạm hình một con rồng uốn lượn. Cỗ bài vị hình nhân chạm hình hổ phù, ngũ long... Miếu Ông còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu.

Miếu này đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)