Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Nhật Tân (quận Tây Hồ)

Sơn Dương (t/h) 21:13 04/05/2023

Đình Nhật Tân thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đình Nhật Tân xưa gọi là điện Nhật Chiêu, vì trước đây là điện Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Triều Khải Định mới đổi Nhật Chiêu thành Nhật Tân. Năm 1946 Nhật Tân và Quảng Bá sáp nhập thành xã Quảng Tân. Năm 1955, Nhật Tân lại tách ra thuộc quận V, ngoại thành Hà Nội. Năm 1961 Nhật Tân thuộc huyện Từ Liêm. Năm 1996 thành lập quận Tây Hồ thì xã Nhật Tân thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.

Đình Nhật Tân hiện nay thuộc cụm 1, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đình ở phía tây bắc hồ Tây, trên đường vào Công viên hồ Tây. Trước đây đình được xây theo kiểu chữ “tam”, nhưng nay chỉ còn năm gian Tiền tế và năm gian Hậu cung xếp theo hình chữ “nhị”.

Xưa nay có nhiều truyền thuyết về việc xây đình Nhật Tân:

1. Thời Hồng Bàng bà phi của Diệu Đế là Lạc phu nhân sinh Uy Linh Lang thấy một bọc bảy trứng, lấy làm lạ, bỏ lại đó. Sau bảy trứng hoá thành bẩy con rồng bay lên trời. Phu nhân nghe tin cho trồng bảy cây gạo để ghi lại dấu tích. Sắc phong vương tước, gia tặng hai chữ Uy Linh và lập miếu thờ. Bảy cây gạo ở góc phía tây hồ Tây thuộc địa giới làng Nhật Chiêu.

2. Chiêu Minh phu nhân (Minh Đức hoàng hậu), người làng Nhật Chiêu là chính cung của vua Trần Thánh Tông, thân mẫu của Uy Linh Lang. Sau khi Uy Linh Lang hoá về trời, Chiêu Minh phu nhân qua đời, nhà vua sai lập đền thờ tại làng Nhật Chiêu để phụng thờ.

3. Lúc 36 tuổi, Uy Linh Lang không bệnh tật mà qua đời vào giờ Ngọ ngày 8 tháng tám năm Bính Tý. Vua và Hoàng hậu thương xót lắm, lập tức xây ngôi đền thờ ở chỗ ông qua đời để thờ gọi là điện Nhật Chiêu, hay còn gọi là Linh Bảo điện, hoặc Đền thánh Uy Linh Lang. Tóm lại, dù được xây vào thời gian nào, thì Đình Nhật Tân cũng được lập nên để phụng thờ thánh Uy Linh Lang, một nhân vật nặng về huyền thoại hơn là lịch sử. Thần là dòng giống rồng, con Lạc Long Quân. Thần thường hiển hoá ở các miền sông nước để cứu giúp dân Việt thoát khỏi thiên tai đe doạ, làm cho quốc thái dân an. Thần phả phường Nhật Tân, Yên Phụ, các sách Tây Hồ chí, Thăng Long cổ tích khảo... ghi chép về thần như một nhân vật lịch sử hệt như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật vậy.

Đình Nhật Tân đã bị giặc Pháp đốt năm 1947 vì đây là cơ sở của Liên khu I, hiện chỉ còn lại toà cung thượng.

Toà cung thượng gồm 3 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc. Phía trước hiện xây nới thêm nếp nhà thấp hơn 3 gian 2 dĩ - kiểu bán mái che hiện.

Đình Nhật Tân còn lưu giữ những di vật có giá trị như tấm bia đá niên hiệu Hoàng Định thứ 3 (1643), tám bộ long ngai, bài vị thời Lê, 36 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, bức trâm chép thơ bằng chữ thảo thấp vàng và nhiều đồ thờ tự quý.

Đình còn giữ được những hoành phi, câu đối rất uy nghi:

Nhật điện Uy Linh

Định Nhật Chiêu Uy Linh

Linh Bảo Quan từ

Đền Linh Bảo Quan

Đông A hiển thánh danh thiên cổ

Nam quốc phong thần Điện Nhật Chiêu.

Tạm dịch:

Trần triều hiển thánh danh nổi mãi
Nam quốc phong thần điện Nhật Chiêu.


Xã tắc Trần triều, Thánh xuất lôi phong đàm Thất Thụ

Giang sơn Nam Việt, Thần linh uy vũ Điện Nhật Chiêu.

Tạm dịch:

Xã tắc Trần triều, Thánh xuất lôi phong đầm tên Thất Thụ

Giang sơn Nam Việt, Thần thiêng uy vũ điện gọi Nhật Chiêu.

Không chỉ xưa kia mà trong thời đại mới, đình Nhật Tân còn ghi đậm dấu ấn hào hùng của dân tộc.

Tháng 12 năm 1946, đình Nhật Tân là nơi thành lập đội quyết tử quân quận Lãng Bạc.

Kể từ năm 1946, Liên khu I lấy đình Nhật Tân là trạm vận chuyển quân lương cho các chiến sĩ ở Việt Bắc, Tây Bắc.

Ngày 8 tháng năm năm 1960, Hồ Chủ tịch đã về đình Nhật Tân đôn đốc việc bầu cử và kiểm tra hòm phiếu bầu tại đình.

Đình Nhật Tân đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích, kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)