Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Nhân Trạch (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 21:12 03/05/2023

Đình Nhân Trạch thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo các cụ trong Hội Người cao tuổi của làng kể lại, đình Nhân Trạch được dựng vào thời Tiền Lê, quay hướng đông nam, tới thời nhà Lý, ngôi đình lại được quay hướng tây, vốn trước đó, ngôi đình là một thảo am nhỏ. Đến cuối thế kỷ XVII, đình được xây dựng lại, năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) đình được xây gạch, khung mái bằng gỗ, và có bố cục mặt bằng như hiện nay. Đình có kết cấu kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung, ngoài ra còn có các hạng mục bổ trợ như Tả hữu mạc, Phương đình.

Phương đình có kiến trúc theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong, ở các đầu đao đắp đầu rồng tạo đường nét uyển chuyển và mềm mại, làm tăng thêm vẻ đẹp cho lối kiến trúc cổ. Trên các bộ vì, các mảng chạm khắc chạm bong kênh hình rồng, phượng mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn.

Đại bái là ngôi nhà ngang hình chữ nhật, các bộ vì theo kiểu “chồng rường”, cột cái nối với cột quân bởi một kẻ suốt có trang trí hoa văn hình rồng, kẻ ăn mộng qua cột cái đội bụng câu đầu chạy suốt đỡ tay mái. Bên trong Đại bái có treo bức hoành phi chạm nổi bốn chữ Hán đề: “Thánh cung vạn tuể”. Ngay dưới là cửa võng cũng được sơn son thếp vàng và trang trí đề tài tứ linh, các bông hoa phù dung, hồng, sen, cúc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Đáng chú ý, các di vật như lư hương bằng gốm hai màu và một cỗ long ngai có chạm đầu rồng, bài vị hình nhân thờ Thành hoàng mang nét kiến trúc thời Lê và một số các đồ thờ tự khác.

Truyền thuyết kể rằng đình Nhân Trạch thờ vợ chồng ông bà Phương Dung và Đào Kỳ, là những người đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định. Đào Kỳ vốn là một người có trí dũng, ông hy sinh khi tham gia chiến đấu, bà Phương Dung nghe tin dữ liền tuẫn tiết theo chồng vào ngày 11 tháng năm âm lịch. Từ đó, ông bà được dân làng lập miếu thờ và các triều đại phong kiến ban sắc phong tặng là Đào Dũng tướng quân lược tế thế đại vương, Phương Dung được phong là Phương Dung công chúa trinh tiết từ hoa đoan trang.

Hàng năm, dân làng thường tổ chức tế lễ vào ngày 8 tháng giêng để tưởng nhớ tới công lao của ông bà. Theo lịch sử địa phương, tháng 8 năm 1945, đình là nơi tập họp nhân dân khởi nghĩa. Tháng 3 năm 1957, nơi đây vinh dự được đón đồng chí Tôn Đức Thắng về nói chuyện và căn dặn nhân dân. Những năm chống đế quốc Mỹ, đình là cơ sở hậu phương đón và điều trị các thương binh của Tổng cục Hậu cần và Viện Quân y 103 từ các mặt trận gửi về.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.

Sơn Dương (t/h)