Tác giả - tác phẩm

Gợi ý các cuốn sách đọc vào kỳ nghỉ

Yến Ly 06:00 01/05/2023

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 này, nếu bạn không có kế hoạch đi chơi xa, không có những hành trình nhiều di chuyển thì việc khám phá những thế giới mới qua từng trang sách là một lựa chọn thú vị. Người Hà Nội xin gợi ý tới bạn một số đầu sách về chủ đề chiến tranh Việt Nam hoặc viết về thời kỳ chiến tranh rất thích hợp đọc trong những ngày này.

Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi

Được xuất bản lần đầu năm 1957, Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi là câu chuyện xoay quanh cuộc đời phiêu bạt của cậu bé An ở vùng Tây Nam Bộ những năm 1945. Trong bối cảnh Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, người dân Nam bộ đã phải bỏ nhà bỏ cửa để chạy giặc. Nhân vật An là một đại diện tiêu biểu cho những số phận lưu lạc từ cuộc chạy giặc đó. Giặc quấy phá, cuộc đời trôi dạt của một đứa trẻ sẽ gặp những chuyện gì? Làm sao để một đứa trẻ có thể sống sót trong bối cảnh ấy và liệu nó có thể sống sót được hay không? Và như một bến bờ cho những số phận lưu lạc ấy bám vào, neo đậu, chỉ còn cách đi theo du kích và làm Cách mạng, mới mong thay đổi được mọi thứ…

Năm 1997, cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim truyền hình mang tên Đất phương Nam. Cũng có thể nói rằng nhờ bộ phim mà cuốn tiểu thuyết được nhiều thế hệ người đọc biết đến hơn.

Năm 2022, dự án chuyển thể sang phim điện ảnh Đất rừng phương Nam được bắt đầu, do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sản xuất.

dat-rung-phuong-nam.jpg
Cuốn sách "Đất rừng phương Nam"

Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh

Có thể nói rằng Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam cho đến hiện nay. Nhiều nhà phê bình cho rằng cuốn tiểu thuyết là thành tựu lớn nhất của văn học đổi mới. Và đây cũng là tác phẩm văn học Việt Nam được nhiều người trên thế giới biết đến nhất. Ngoài các giá trị văn chương mà cuốn sách mang lại, cuốn sách còn nổi tiếng vì nhiều lý do như câu chuyện ra đời và xuất bản: Ra đời năm 1987 với tên gọi Thân phận của tình yêu, được xuất bản năm 1990 với tên Nỗi buồn chiến tranh, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, được dịch sang tiếng Anh từ năm 1993 và từng bị cấm phát hành tại Việt Nam từ năm 1993 đến năm 2005. Năm 2006, cuốn sách mới được xuất bản phát hành trở lại. Và sách đã được dịch ra 15 thứ tiếng, được giới thiệu ở 18 quốc gia trên thế giới. Năm 2011, sách được giải thưởng châu Á của Nhật Bản. Năm 2016, Bảo Ninh được nhận giải thưởng văn học Sim Hun của Hàn Quốc với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh.

Nỗi buồn chiến tranh là câu chuyện xoay quanh nhân vật Kiên – một người lính sống sót trở về sau chiến tranh. Chuyện được kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại, những ám ảnh, dằn vặt và ký ức chiến tranh của Kiên – qua đó làm sống lại những khắc nghiệt trên chiến trường, những đau buồn, những bi kịch... Nỗi buồn chiến tranh vén ra bức màn mà sau đó là những con người không thoát được khỏi cuộc chiến khi đã trở về.

Năm 2022, cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể lên sân khấu kịch nói, với vở kịch mang tên Trái tim người Hà Nội, do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng.

noi-buon-chien-tranh.jpg
Cuốn sách "Nỗi buồn chiến tranh"

Tuổi thơ dữ dội – Phùng Quán

Là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Phùng Quán, Tuổi thơ dữ dội được xuất bản lần đầu năm 1988. Tác phẩm đã được trao giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Bộ Quốc phòng, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, giải thưởng sách hay và đã được chuyển thể thành phim cùng tên.

Tuổi thơ dữ dội là câu chuyện xúc động viết về cuộc sống chiến đấu và sự hi sinh của những thiếu niên trong hang ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Các nhân vật là những cậu bé, cô bé – dù xuất thân với hoàn cảnh khác nhau (con nhà nghèo, con của phó tổng trấn Trung Kỳ, con nhà nòi cách mạng, thợ rèn hay là một cậu bé trộm cắp ở chợ…) thì cuối cùng, tất cả đều có chung một mục tiêu là bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi quân thù và đều chung một tinh thần sẵn sàng hi sinh vì Cách mạng.

Có thể coi cuốn sách cũng là một tài liệu quý để các thế hệ sau được biết về một thời kỳ lịch sử mà thế hệ cha ông đã đi qua. Dù thiếu thốn, nhiều nguy hiểm nhưng họ vẫn hạnh phúc khi được cùng san sẻ cho nhau từ củ sắn trừ bữa đến bao tải làm chăn hay những đói rét giữa núi rừng. Và hơn tất cả là lòng yêu nước, ý chí và tinh thần chiến đấu với một mục tiêu duy nhất: vì Tổ quốc.

tuoi-tho-du-doi.jpg
Cuốn sách "Tuổi thơ dữ dội"

Mãi mãi tuổi hai mươi – Nguyễn Văn Thạc

Mãi mãi tuổi hai mươi là một cuốn nhật ký dang dở của một liệt sĩ! Người liệt sĩ đó, tác giả cuốn sách là Nguyễn Văn Thạc - một người trai Hà Nội. Anh nhập ngũ năm 19 tuổi (1971) và đã hi sinh tại chiến trường Quảng Trị ngay một năm sau đó!

Cuốn sách là tập hợp tuyển chọn từ hàng trăm lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc với gia đình và bạn gái cùng những trang nhật ký của anh, do nhà thơ Đặng Vương Hưng giới thiệu và biên tập, xuất bản năm 2005.

Đọc từng trang sách, bước ra chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là một người trai trí thức Hà Nội. Anh mang một tâm hồn thuần khiết, nhạy cảm và tràn đầy tình yêu quê hương đất nước bước vào cuộc chiến. Và đó cũng là hành trang anh mang theo trong suốt những tháng ngày hành quân.

Cuốn nhật ký giúp các thế hệ sau hình dung dễ hơn về tuổi trẻ của thế hệ cha anh, về tâm hồn, lý tưởng và góc nhìn cũng những thanh niên, sinh viên trong thời buổi chiến tranh đã qua ấy.

Năm 2012, cuốn sách đã được Hoàng Nhuận Cầm chuyển thể thành kịch bản phim Mùi cỏ cháy, do Nguyễn Hữu Mười đạo diễn.

mai-mai-tuoi-20.jpg
Cuốn sách "Mãi mãi tuổi hai mươi"

Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Quân khu Nam Đồng của nhà văn Bình Ca là cuốn tiểu thuyết được nhiều người yêu thích trong vài năm gần đây. Xuất bản lần đầu tiên năm 2015, tính tới nay cuốn sách này liên tục được tái bản liên tục mỗi năm.

Cuốn tiểu thuyết là một câu chuyện kể về tuổi thơ của một thế hệ từng chung sống trong một khu gia binh giữa lòng Hà Nội những năm tháng chiến tranh và bao cấp. Cuốn sách phô bày ra những điều rất đỗi chân thực về độ tuổi có nghịch ngợm, có lãng mạn có láu cá mà bất cứ ai cũng đã từng trải qua. Tác giả đã rất chân thực và khéo léo trong việc sắp xếp và kể lại bối cảnh chiến tranh và thời kỳ hậu chiến của câu chuyện – một giai đoạn lịch sử đặc biệt đã qua của nước ta, đặc biệt là giữa lòng Hà Nội.

Được viết bằng bút pháp hiện thực, Bình Ca có lối kể lôi cuốn, dí dỏm, ly kỳ và hấp dẫn. Cuốn sách khiến người đọc say sưa vui buồn cùng nhân vật, đã cầm lên tay là sẽ đọc tới trang cuối cùng mới thôi.

quan-khu-nam-dong.jpg
Cuốn sách "Quân khu Nam Đồng"

Yến Ly