Đình Nghĩa Lộ (quận Hà Đông)
Đình Nghĩa Lộ hiện nay thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.
Theo sách “Các trấn, tổng, xã danh bị lãm” viết vào thời vua Gia Long (1810 - 1819), thì xã Yên Nghĩa trước kia thuộc tổng La Nội, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai.
Đình nằm trên thế đất cao, theo hướng tây nam trông ra một hồ rộng lớn, xung quanh đình là những cây gỗ lớn. Đình có mặt bằng kiến trúc theo lối chữ “đinh”, hai bên có Tả hữu mạc. Trước đình là hai cột đồng trụ cao 7m, hai bên có cổng pháo đắp vữa giả làm bằng ngói ống có tám mái cong. Nối giữa trụ chính là cổng pháo, tường bao. Tường bao đắp nổi một bảng rồng và một bảng hổ bằng vôi vữa. Hai cột trụ hình vuông mỗi chiều 1,2m. Bước qua cổng ta tới một sân lát gạch, gạch vuông sen kẽ gạch hình chữ nhật chạy dài tới bậc thềm của đình. Hai bên sân là nhà Tả hữu mạc có chiều dài 7m, chiều cao 3,8m. Các vì kèo là kiểu bào trơn đóng bén, xà được gác lên tường, cho nên không có cột. Đại bái là công trình kiến trúc chính của di tích, từ sân bước lên Đại bái sáu bậc thềm bằng đá và lát gạch vuông 30cm x 30cm. Toàn bộ bậc đá có 53 viên, viên dài nhất 1,53m, dầy 14cm, rộng 24cm. Đại bái có lòng rộng 7m, dài 15,5m, có 24 cột. Đình là ba gian hai dĩ mái cong, xung quanh Đại bái được xây gạch để bảo vệ. Các bộ vì kèo trong Đại bái làm theo kiểu “chồng rường con nhị”, trên thượng lương có đắp hổ phù. Hai vì kèo gian giữa có bốn bức cốn được chạm bốn mặt trong và bốn mặt ngoài những con chim phượng, rồng cuốn thuỷ, rùa. Các cốn mê khác là cành trúc hoá rồng. Các bẩy hiên đều chạm lá lật và lá cách điệu thành rồng. Nhìn chung kiến trúc đơn giản, mang phong cách muộn thời Nguyễn. Trong Hậu cung là hai bộ long ngai bài vị, trong đó có một bài vị có niên đại thời Hậu Lê, một thời Nguyễn. Cả ba mâm đài và chín quả đa, một choé có hoa văn men xanh sẫm để cúng (nước cúng). Một bát hương gốm da lươn Bát Tràng, hai bát hương tròn, hai đôi nến, 2 hoành phi, 2 bộ kiệu bát cống. Đặc biệt, trong đình còn lại một bia đá cao 65cm, rộng 40cm, trên bia ghi “Hội khoa Tiến sĩ”, có khắc các dòng họ người Nghĩa Lộ đã đỗ đạt vào các đời vua Lê Thánh Tông (1463) vào năm Quang Thuận thứ 4. Đời vua Lê Hiển Tông thứ 4 (1499), đời vua Cảnh Thống thứ 2, đời vua Kính Tông (1607) và năm Hoằng Định thứ 8.
Đình Nghĩa Lộ là nơi thờ Ả Lã Nàng Đê và em trai là Quốc công. Truyền thuyết kể lại rằng: Xưa có ông Nguyễn Viên, quê ở Châu Ái ra Cổ Châu làm quan nhà Hán, ông căm thù bọn giặc tàn ác, nên ông ngầm liên kết với các lực lượng để chống lại bọn Tô Định. Nhưng cũng như Thi Sách, ông bị bọn Tô Định giết hại. Con gái lớn là Ả Lã và người con trai tên là Quốc. Khi Hai Bà Trưng truyền hịch khởi nghĩa, hai chị em chiêu mộ quân lính trong vùng kéo về tụ nghĩa ở sông Hát. Ả Lã được phong là tướng tiên phong một đạo quân. Hai chị em đã lập được công lớn trong cuộc đánh đuổi quân Nam Hán xâm lược, giải phóng đất nước. Hai Bà Trưng đã ban thưởng bổng lộc và chức tước cho hai chị em bà cho về lập ấp huyện quan ở vùng sông Đáy. Tại đây, Ả Lã và em trai cùng dân trồng dâu, chăn tằm và cấy lúa chăm lo cuộc sống nhân dân và thao luyện binh sĩ. Đến khi nhà Hán sai Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta một lần nữa, Hai Bà Trưng thất trận, Ả Lã và em trai lần lượt hy sinh anh dũng trên sông Hát. Để tưởng nhớ công ơn của hai vị tướng giỏi, nhân dân quanh vùng đã lập đền thờ, dân làng nghĩa Lộ đã thờ bà Ả Lã và em trai làm Thành hoàng làng và là vị phúc thần của dân.
Đình Nghĩa Lộ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01