Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Nhân Lý (Thị xã Sơn Tây)

Sơn Dương (t/h) 14:11 27/04/2023

Đình Nhân Lý thuộc xã Xuân Sơn, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Đình Nhân Lý thuộc làng Nhân Lý, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây. Trước Cách mạng tháng Tám, làng Nhân Lý thuộc tổng Nhân Lý, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây.

Với thế đất rộng, thoáng, mặt bằng kiến trúc đình Nhân Lý được kết cấu theo kiểu chữ “nhị” bao gồm các hạng mục chính là Tiền tế và Hậu cung. Ngoài ra đình còn có thêm một số hạng mục khác là Nghi môn, Tả mạc, sân vườn và tường rào bao quanh. Nghi Môn với một lối đi chính và hai lối đi phụ hai bên tạo thế đăng đối. Đây là hạng mục mới được nhân dân hưng công khởi dựng. Nghi môn đình xây theo kiểu trụ biểu. Từ Nghi môn qua một khoảng sân rộng là tới Đại bái. Đại bái và Hậu cung đều có kết cấu kiến trúc một tầng hai mái, trên lợp ngói ri truyền thống, đầu hồi bít đốc, hai đầu bờ nóc đắp đấu đỉnh. Không gian bên trong Đại bái được chia làm ba gian hai chái với kết cấu năm hàng chân cột. Tiếp giáp giữa Đại bái và Hậu cung bài trí một nhang án gỗ màu đỏ sẫm, chạm hổ phù, triện tàu lá giắt và hoa dây cách điệu... Đây là một trong những di vật quý được tiền nhân để lại có giá trị lịch sử cao. Hậu cung với kết cấu 1 gian 2 chái trên 5 hàng chân cột. Bên trong Hậu cung, có 3 cỗ long ngại bài vị của Tam vị Tản Viên Sơn Thánh được bố trí trên tầng cao nhất. Ở hai bên ban thờ chính của Hậu cung đặt hai ban phối thờ: Bên tả thờ Đức đại vương Hành Khiển và bên hữu thờ Thành hoàng bản thổ.

Căn cứ vào những di văn hiện lưu tại đình làng thì đình Nhân Lý thờ tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Sự tích về các ngài có nhiều dị bản. Một trong những bản chính hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm “Tam vị đại vương thượng đẳng thần Tản Viên Sơn Thánh” do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), sau đó Quản giám bách thần tri điện hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng tả năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1736) là xác thực nhất. Nội dung của bản ngọc phả này có thể tóm tắt như sau: Vào đời Duệ Vương (vị vua cuối cùng của triều Hùng) ở động Lăng Xương, phủ Hưng Hóa, đạo Sơn Tây có người họ Nguyễn, vợ họ Tạ đã ở tuổi 53 mà điều lành vẫn chưa ứng nên ngày càng ra sức làm điều nhân đức. Ông bà lại có một người anh ruột là Nguyễn Cao Hành vừa tròn 70 tuổi cũng chưa có người nối dõi. Ngày giỗ gia tiên hai anh em đã than thở với nhau và đi du chơi ở núi. Hai ông gặp một cụ già diện mạo phương phi, râu tóc bạc trắng, tay cầm gậy hoa trúc. Đi theo cụ có mấy chú tiểu đồng mang bầu rượu và la bàn. Hai ông cúi lạy và xin được ban phúc. Cụ già bảo hai ông về cải táng hài cốt của bố, cầu đảo các thần linh... Hai ông cúi xuống tạ thì ông già biến mất. Về nhà làm lễ cầu đảo xong, đêm hôm đó Tạ thị nằm mộng thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng, tay ôm hai chú tiểu đồng cho bà. Sau đó bà mang thai 14 tháng. Đến ngày mồng 7 tháng giêng bà sinh hạ một bào thai có hai con trai phong tư dĩnh ngộ, diện mạo khôi ngô, thật giống hai đứa trẻ trong giấc mộng. Bà liền đặt tên con là Sùng và Hiển. Năm đó ông anh Nguyễn Cao Hành cũng sinh một con trai thần phong tuấn tú, tính cách hiên ngang đặt tên là Tuấn.

Năm 12 tuổi, Sùng, Hiển và Tuấn đều thông minh không ai sánh bằng. Đến năm 13 tuổi tìm thầy dạy học cho ba anh em nhưng được vài năm đã tinh thông văn chương hết cả lục giáp thần phù, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý...

Đến năm ba anh em 18 tuổi, cha mẹ hai bên đều qua đời. Ba anh em gào khóc thấu tận trời xanh. Sau ba năm để tang cha mẹ thì kinh tế khánh kiệt, ba ông bèn cùng nhau đến núi Tản làm con nuôi cho Ma Thị Cao Sơn thần nữ. Thần nữ thấy đây là những đứa con hiếu thảo nên lập chúc thư giao hết núi rừng, sông núi, điền địa cho Nguyễn Tuấn - tức vị đệ nhất thượng đẳng phúc thần Tản Viên Sơn Thánh, Sùng Công ở Non sơn hiệu là Tả Kiên Thần - tức Quý Minh đại vương, Hiển Công ở Lãng sơn hiệu là Hữu Kiên Thần - Cao Sơn đại vương. Năm đó Tản Viên được Hùng Duệ Vương gả công chúa Mỵ Nương và ban cho thực ấp, phong tước hiệu. Ông có công lớn với dân trong việc tiêu trừ cái ác, dạy dân thuần phong mỹ tục...

Vua Duệ Vương phong cho Sùng Công làm Tả Đô Đài đại phu và Hiển Công làm Hữu Đô Đài đại phu và cho lập hành cung ở nhiều nơi. Đến khi Thục Vương đem binh đến xâm lược cương vực, Duệ Vương lệnh cho Sơn Thánh cùng Sùng Công và Hiển Công đem quân đi đánh và thu được những thắng lợi to lớn, lưu danh muôn đời. Sau khi hoá, rất nhiều nơi đã lập nơi thờ tự tôn thờ các vị làm thành hoàng, bảo trợ cuộc sống tâm linh cho mọi người.

Trải các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, các đời vua về sau đều gia phong cho mỹ tự Thượng đẳng phúc thần, để muôn đời phụng thờ cúng tế lập thành quy thức, không bao giờ thay đổi.

Trải qua năm tháng, đình Nhân Lý còn lưu giữ được nhiều di vật quý với nhiều chất liệu khác nhau: 6 cỗ long ngai bài vị, 3 hương án thời Nguyễn, 2 bát hương gốm Thổ Hà, 3 đạo sắc phong.

Theo phong tục truyền thống của làng Nhân Lý, lễ hội được tổ chức từ ngày 30 tháng giêng đến 7 tháng hai âm lịch. Ngày nay thực hiện nếp sống mới, lễ hội được tổ chức gọn lại từ 30 tháng giêng đến 3 tháng hai âm lịch.

Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)