Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Ngọc Chi, miếu Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 17:40 25/04/2023

Đình Ngọc Chi thuộc thôn Ngọc Chi, miếu Vĩnh Thanh thuộc thôn Vĩnh Thanh, đều thuộc xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Đình Ngọc Chi, miếu Vĩnh Thanh đều thờ ba cha con Nồi Hầu. Nồi Hầu là con ông Đào Hoằng và bà Hoàng Thị Trung, tên là Hãn Công thời vua Thục, Nồi Hầu lấy Ả Nương sinh được hai con là Đống Công và Vực Công. Lớn lên cả ba cha con đều làm quan dưới quyền Thục Vương. Nhà Thục thất thủ Cổ Loa. Nồi Hầu cùng vợ về làng Chiêm Trạch (quê vợ), giặc đuổi theo; để khỏi sa vào vòng tay giặc, hai vợ chồng đã rút dao tự vẫn. Hai hôm sau, Đống và Vực cũng trốn về Chiêm Trạch; thấy bố mẹ đã hy sinh, hai ông cũng tự tử theo. Cả bốn người đều được dân làng chôn cất ở khu gò, dưới chân đê sông Đuống. Nồi Hầu và hai con (Tam Công) được phong làm Thành hoàng làng.

Kiến trúc đình còn giữ được những mảng chạm khắc hình người múa, cưỡi rồng thế kỷ XVII. Các hình chạm, đầu bẩy, con rường trang trí nghệ thuật thế k XVIII và XIX. Di vật còn lại khá nhiều, có giá trị nghệ thuật: ngai, bài vị, ngựa gỗ, bát bửu v.v...

Đình Ngọc Chi, miếu Vĩnh Thanh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993.

Ông Nồi (tức Nồi Hầu) là con một người thợ làm nồi đất ở Hương Canh, huyện Yên Lãng (nay thuộc Vĩnh Phúc), một trung tâm sản xuất đồ gốm nổi tiếng từ xưa. Nồi càng lớn càng thông minh. Đặc biệt giỏi võ, giỏi vật. Từ cu Nồi đã trở thành đô Nồi.

An Dương Vương Thục Phán mở khoa thi võ. Dân làng tiến cử đô Nồi, cấp tiền gạo cho đô Nồi về kinh đô Cổ Loa thi võ. Và đô Nồi đã không phụ lòng tin yêu của dân làng. Đô Nồi được tuyển làm tướng phò tá của vua Thục. Truyền thuyết nói ông được phong chức Nồi Hầu.

Nồi Hầu lấy vợ ở trang Chiêm Trạch (gồm thôn Ngọc Chi và Vĩnh Thanh huyện Đông Anh ngày nay). Sinh được hai trai: Đống và Vực. Lớn lên, hai con trai cùng bố đều làm tướng triều Thục Triệu Đà xâm lăng Âu Lạc. Ba cha con Nồi Hầu mộ dân bình Chiêm Trạch; được An Dương Vương trao nỏ thần, phá tan giặc Triệu. Triệu Đà lui binh, sai con trai là Trọng Thuỷ sang Âu Lạc cầu hoà. Và cầu hôn với Mỵ Châu.

Ba cha con Nồi Hầu can ngăn An Dương Vương:

- Lòng người khó dò biết, không nên nhẹ dạ tin!

An Dương Vương không nghe lời nói phải. Ba cha con Nồi Hầu phải từ quan về ở trang Chiêm Trạch.

Sau gần ba năm ở rể, Trọng Thuỷ về nước. Triệu Đà lại đem quân đánh Âu Lạc, có Trọng Thuỷ đi trước mở đường, An Dương Vương thất bại.

Triệu Đà thắng trận, sai người đến Chiêm Trạch dụ ba cha con Nồi Hầu, hứa trọng dụng ba người. Ba cha con Nồi Hầu mắng Triệu Đà là đồ bội phản, giận mình chưa lấy được đầu hắn để trả thù cho vua Thục, lẽ đâu lại làm tôi cho quân cướp nước.

Triệu Đà tiến binh vây Chiêm Trạch. Ba cha con Nồi Hầu đốc xuất dân làng chống cự kịch liệt.

Sau vì thế cô, hai vợ chồng Nồi Hầu và hai con phá vòng vây chạy về Hương Canh quê cũ. Giặc Triệu lại kéo đến Hương Canh đuổi vây rất gấp. Hai vợ chồng Nồi Hầu đành giả dạng làm hai người hàng nồi, gánh nồi đất trốn ra. Và lại trốn về Chiêm Trạch.

Giặc phát giác được ngay và tức tốc đuổi theo. Hai vợ chồng Nồi Hầu tới Chiêm Trạch. Dân làng thấy hai người gánh nồi, ngờ là quân Triệu giả trang, không dám mở cổng làng ngay cho vào. Giặc đuổi đến nơi. Thấy khó lòng thoát chết, để khỏi sa vào tay giặc, hai vợ chồng đã rút dao tự vẫn.

Hai hôm sau, ông Đống, ông Vực cũng trốn được về Chiêm Trạch. Thấy bố mẹ đã hy sinh, hai ông cũng tự tử theo.

Cả bốn người đều được dân làng chôn cất ở một khu gò trước đây có nhiều cây cối um tùm. Đó là “mô Thánh hoá" ở đầu làng, dưới chân đê sông Đuống. Và Nồi Hầu trở thành Thành hoàng cầu của hai thôn Ngọc Chi và Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Vĩnh Ngọc).

Cả gia đình Nồi Hầu tử tiết, quyết không chịu đầu hàng quân cướp nước. Gương bất khuất ấy mãi mãi sáng ngời, cùng với thành Cổ Loa vẫn hiên ngang đứng vững, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc qua mấy nghìn năm lịch sử.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)