Hà Nội xưa - nay

Phố mới & ký ức cũ

Lê Phương Liên 12:37 03/05/2023

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Dầu bên hồ Hoàn Kiếm nơi trung tâm Hà Nội. Hơn 40 năm xa nơi ấy, giờ mỗi lần trở lại tôi thấy mình đã như một người xa lạ.

Con phố vẫn ở đó, cây đa đền Bà Kiệu vẫn còn đây, nước hồ Gươm vẫn xanh như nghìn năm trước, thế mà sao bước chân tôi đã không còn thong thả và bình yên đi trên vỉa hè như khi xưa. Tôi luôn luôn phải tránh những chiếc xe máy, những bàn ghế của các quán ăn uống bày ra. Phố giờ đây là những tòa nhà cao bên những cửa hàng san sát. Khách du lịch tấp nập đi lại. Mừng cho phố xưa phát triển nhưng cũng bâng khuâng tiếc nuối dáng vẻ hiền lành yên tĩnh của con phố nhỏ đã không còn.

mot-goc-pho-hang-dau-xua.jpg
Một góc phố Hàng Dầu xưa.

Phố Hàng Dầu xưa chỉ có một cửa hàng bán guốc gỗ ở bên dãy số lẻ. Giờ đây đến phố Hàng Dầu người ta tưởng là phố Hàng Giầy. Những cây sưa, cây bàng đã cao lớn ra dáng cây cổ thụ nhưng dường như không còn vẻ trầm tư nghiêng bóng lá xanh duyên dáng. Bởi bây giờ cây ấy đang xòe tán lá che rợp cảnh đông đúc ô tô, xe máy chen nhau trong một quãng phố nhỏ xíu (chỉ dài vài trăm mét). Tôi đã xa con phố này lâu lắm rồi, nơi đây đã không còn ai quen biết tôi nữa, nên thật khó để tìm một ánh nhìn thương mến gặp lại người trở về. Tôi bâng khuâng tự hỏi, phải chăng mình đã bỏ quên phố xưa? Phải chăng chính tôi đã mải mê đi tìm những điều mới mẻ trên những ngả đường khắp bốn phương trời?

Không, trong trái tim tôi vẫn là hình bóng con phố cũ. Phố Hàng Dầu xưa là một dãy phố gồm những ngôi nhà thấp hai tầng, tầng trên là căn gác áp mái có một cửa sổ giống như bức tranh Phố Phái đã miêu tả. Đầu phố (số nhà 2 - 4) là nhà hộ sinh của ông bà bác sĩ Cận và bác sĩ Tâm. Giữa phố có ngôi nhà số 22 như một biệt thự nhỏ, là trường tiểu học với bốn lớp học chủ yếu là con em của những người dân khu vực bên bờ đông hồ Hoàn Kiếm.

Xưa, phố này còn có hai hiệu cắt tóc, một hiệu ở số nhà 24 và một hiệu ở số nhà 14. Hiệu nào cũng đàng hoàng gương kính, ghế ngồi có thể xoay đi xoay lại, khăn choàng cắt tóc trắng tinh tươm. Hàng cắt tóc cho cả nam, nữ và trẻ em, giá bình dân và không có dịch vụ gội đầu.
Tôi đứng lặng nhìn số nhà 22, 20, 18, 16... Tất cả những căn nhà xưa đã đi vào hư vô. Không còn một chút bóng dáng nào còn lại nữa. Đã có một phố Hàng Dầu khác mọc lên trên đất cũ. Những đứa trẻ sinh ở nơi đây vào đầu thế kỷ XXI sẽ không còn biết phố xưa đã từng yên tĩnh êm đềm. Vỉa hè xưa đã từng là nơi trẻ con có thể vui chơi nhảy dây, chơi ô lò cò… Vào những buổi sáng trên vỉa hè ấy, người dân đứng tập thể dục theo bản nhạc “Thể dục buổi sáng” của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nơi vỉa hè thuở đó rộng rãi bởi không có một ai để bất cứ một cái gì trên vỉa hè, xe đạp cũng để ở trong nhà! Ở phố Hàng Dầu ngày xưa có hàng cơm bình dân. Hàng cơm cho khách ngồi ăn trong nhà. Những tấm gỗ làm cửa bức bàn được dỡ xuống, ngả ra làm ghế ngồi cho khách ăn cơm. Khi hết giờ bán hàng, lại dựng những tấm gỗ lên để xếp khít bên nhau.

Hàng nước, cũng bán hàng trong nhà. Ghế khách ngồi uống nước cũng để trong nhà. Cửa hàng ấy cũng có cửa gỗ bức bàn. Khi mở của hàng, người ta bỏ những tấm gỗ ra để người mua thấy rõ trong nhà có “Hàng Nước”. Trên bàn “Hàng Nước” còn bày các lọ kẹo lạc, kẹo vừng, lọ ô mai, thuốc lá, thuốc lào, trà khô... Hoa quả tươi như chuối đã được cắt chia thành từng chùm vài quả, bưởi đã được bóc vỏ ngoài, để quả còn vỏ múi. Người bán hàng có thể bán một chùm chuối hai ba quả, vài múi bưởi theo yêu cầu của khách. “Hàng Nước” bán nước chè tươi hoặc nước vối đựng trong những bình to được ủ nóng. Người mua hàng đi vào trong nhà đứng hỏi mua và nhận hàng. Hồi nhỏ tôi hay được bà và mẹ sai đi mua những thứ lặt vặt nên rất nhớ chuyện này! Sau năm 1965, người phố phường Hà Nội đi sơ tán, khi đó mới có cảnh bán hàng chè chén 5 xu trên vỉa hè.

Những năm 1954 - 1964, người phố cũ Hà Nội sống trong nề nếp “đời sống mới”. Nhớ những chiều thứ Bảy, các gia đình đều phải cử người ra tổng vệ sinh vỉa hè trước cửa nhà mình. Đầu tiên là quét sạch rác bụi, sau đó ra máy nước công cộng lấy nước về dội trên vỉa hè và vệ sinh thật sạch nước bẩn để nước trôi xuống cống. Người phố xưa như thế đấy, không những không xâm phạm khoảng vỉa hè trước cửa nhà mình mà còn có trách nhiệm giữ gìn khoảng vỉa hè đó thật sạch sẽ để cho mọi người đi qua đi lại được hưởng thụ không gian chung. Tôi nghĩ rằng, sự phát triển của phố phường, sự thay đổi của cư dân nơi phố cổ cũng là sự tất nhiên. Nơi ấy không phải quê hương của riêng ai. Từ xưa đến nay, các gia đình đã sinh sống và lập nghiệp ở phố cổ đều không phải là người quê ở đất ấy.

Viết đến đây, những hình ảnh phố mới và ký ức phố xưa vẫn đan xen ẩn hiện trong tâm hồn tôi. Bởi tôi yêu nơi đây, yêu từng cái lá rơi trên đường, yêu lắm./.

Lê Phương Liên