Thừa từ và cụm từ
Lâu nay, khi giao tiếp chuyện trò hoặc đọc sách, báo chúng ta gặp nhiều những từ, cụm từ thừa, trùng lặp. Xin dẫn ra hai kiểu phổ biến (Những cụm từ thừa, trùng lặp được in nghiêng).
1. Thừa từ trong cụm từ.
Thí dụ: Uổng công vô ích, khó khăn nan giải, tu tạo lại, cải tạo lại, tái bản lại, phục hồi lại, hòa nhập lại, tái diễn trở lại, phản bội lại, lưu giữ lại, bổ sung thêm, sau khi làm xong, đội trên đầu, liếm bằng lưỡi (không lẽ đội dưới chân, liếm bằng mũi ư?), tâm huyết nhất, tối ưu nhất, thật đáng quý biết bao (nói thật thì bỏ biết bao hoặc ngược lại), lúc sinh thời, kịp thời ngay, khẩn trương tiến hành ngay, vụ scandal tai tiếng, cây cổ thụ lâu đời, 24/24 giờ trong ngày, thường xuyên liên tục, thị sát tại chỗ, cuồng phong lớn, buôn lậu trái phép, hành hung trái pháp luật (có buôn lậu và hành hung hợp pháp ư?), trong thời gian một ngày, quá cả tin, dễ cả tin (nếu nói cả thì bỏ quá và dễ), thắng cảnh đẹp (lẽ nào lại có thắng cảnh xấu?), thường thường hay (chọn thường thường thì bỏ hay hoặc ngược lại), lòng hảo tâm (nếu muốn giữ lại chữ lòng thì viết lòng tốt là đủ), là/ làm cầu nối trung gian (nếu nói cầu nối thì bỏ trung gian hoặc ngược lại), việc cấp thiết trước mắt (chỉ cần nói việc cấp thiết là đủ, hoặc nói việc trước mắt rất quan trọng/ cần làm ngay), tiên phong đi đầu (nếu nói tiên phong thì bỏ đi đầu hoặc ngược lại), nâng cấp cải tạo (nếu nói cải tạo thì bỏ nâng cấp và ngược lại), trọng trách nặng nề (có thể nói: Trọng trách hoặc trách nhiệm nặng nề), ra sức chống phá quyết liệt, tích cực chuẩn bị ráo riết (nếu ra sức thì thôi quyết liệt, ráo riết thì thôi tích cực hoặc ngược lại), quan sát thấy, đề cập đến (chữ đến lâu nay bị lặp thường xuyên).
Những trường hợp khác của văn hành chính có thể rút bớt từ cho câu gọn hơn: Đang làm công việc xây tổ -> đang xây tổ; tránh sự nâng giá của tư thương -> tránh để tư thương nâng giá; bảo đảm sinh hoạt bình thường cho cán bộ và nhân dân -> bảo đảm sinh hoạt bình thường cho mọi người; không còn khả năng thu hoạch -> không thu hoạch được; trong quá trình tiến hành thí nghiệm -> khi thí nghiệm, trong quá trình thí nghiệm.
2. Thừa từ, cụm từ trong câu văn.
Thí dụ:
- Không nên để bất cứ đồ nóng nào vào tủ lạnh khi chưa nguội.
- Tôi hoàn toàn đồng ý một cách tuyệt đối.
- Ngay cả công ty hàng không X cho đến nay vẫn từ chối chở ông ta trên các chuyến bay của mình.
- Tôi ra cửa hàng, họ nghỉ, cho nên không mua được hàng.
- Trận cãi vã hôm ấy lớn hơn mọi khi, hình như có cả ly tách, chén đĩa tham gia. Bằng chứng là những tiếng loảng xoảng, là những mảnh sứ vương vãi trên nền nhà. (Chỉ cần câu đầu là đủ, thêm câu sau vừa thừa vừa làm giảm đi cái hay của câu đầu).
- Hãy phơi trong bóng râm, không phơi ngoài nắng (có vật cần phơi trong bóng râm, cho nên không cần thêm cụm từ sau).
- Đừng để gạo rơi vãi xuống đất (không lẽ gạo rơi vãi lên trời?)
- Khi Công ty vận động mua phí bảo hiểm, nhiều người còn ngần ngại, không muốn tham gia.
- Người xuống đông và vội, khiến thuyền chòng chành trên mặt nước (không lẽ thuyền chòng chành trên mặt đất?).
- Không mua thuốc lá giả không phải của nhà máy (hóa ra nhà máy cũng sản xuất thuốc lá giả ư?).
- Mỗi người có một thói quen riêng khác nhau.
- Anh ta lẳng lặng dắt xe đi, không nói một lời.
Dù là văn phong hành chính, văn phong nghệ thuật, khoa học hoặc lời nói hằng ngày thì đều không thể thiếu những từ, cụm từ cần thiết, nhưng những từ, cụm từ thừa, trùng lặp cũng khiến câu văn, lời nói lủng củng, rườm rà, thiếu trong sáng. Trường hợp nhắc lại do nhấn mạnh là ngoại lệ, rất ít khi phải dùng, hoặc chỉ cho phép xảy ra ở văn nói với mức độ nào đó mà thôi.