Mỹ thuật

Thế giới tâm linh và hiện sinh trong tranh Ngô Hải Yến

Cao Ngọc Thắng 12:29 02/05/2023

Kể từ khi rời bục giảng trường Đại học Sư phạm để chuyên tâm vào sáng tác trên hành trình của một họa sĩ tự do, Ngô Hải Yến đã phải đối mặt với nhiều thách thức, cả trong cuộc sống lẫn trong nghề nghiệp, khi đã bước qua tuổi bốn mươi. Song, sau hơn mười năm nhìn lại, những nỗ lực âm thầm, quyết liệt và sự tự khẳng định của chị đã được ghi nhận thông qua những tác phẩm tại các triển lãm trong nước và quốc tế.

Từ năm 2002, ngay từ khi còn là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Ngô Hải Yến đã có tác phẩm tham gia triển lãm; và sau khi lấy được tấm bằng Thạc sĩ Mỹ thuật chuyên ngành Hội họa, năm 2008 Hải Yến có ngay triển lãm cá nhân mang tên “Khát khao”, tiếp đó là triển lãm “Yến 2012”. Trong giai đoạn này, tranh Hải Yến thể hiện kỹ thuật vẽ sơn dầu vững vàng, làm cơ sở để tiếp tục niềm đam mê chinh phục kỹ thuật vẽ sơn mài với tâm thế mang tính triết lý của sự chiêm nghiệm đầy cá tính, ở giai đoạn sau.

tranh-cua-yen-chan-dung.jpg
tranh-cua-yen-6.jpg
Một tác phẩm của họa sĩ Ngô Hải Yến

Tại xưởng vẽ của Ngô Hải Yến, tôi bị hút hồn trước những bức sơn mài cỡ lớn như có ma lực, bởi sự ngồn ngộn sắc màu kỳ ảo, vừa hiển lộ vừa ẩn chứa sự chuyển động liên tục các mảng, các nét, gối chồng lên nhau trong bố cục đầy đặn, vượt thoát khỏi cái nhìn, cái xem tranh thuần túy; tôi đọc ở đó một thế giới tâm linh đầy ấn tượng, một sự cô đúc được thẩm thấu vào tâm hồn người họa sĩ tinh thần minh triết của tín ngưỡng thờ Mẫu mà người Việt kết tinh qua nhiều đời.

Tranh của Hải Yến kết hợp nhuần nhuyễn và táo bạo kỹ thuật sơn mài truyền thống và hiện đại, nổi bật ở sự làm nhòe đi đường nét, đặc biệt là màu sắc trong lối đè nhiều lớp lên nhau, lẫn vào nhau, tạo nên độ dày và cả độ rỗng của đối tượng được biểu tả. Ở đó cái đẹp vừa lắng đọng vừa “cựa mình” một cách duyên dáng trong hình thể kiều diễm hòa đồng với sự uyển chuyển trong thế vận động của thế giới tự nhiên, qua cách “đưa” đường bút thuận theo tình cảm, hơn là theo lý trí, biểu tả nội tâm dưới sự “điều khiển” của tâm linh. Hải Yến “đi” những nét - mảng và “phủ” lên đó màu sắc phù hợp với cảm xúc cho đến độ thăng hoa, nhiều khi không trùng với ý thức chủ quan, vượt ra khỏi cảm thức của bản thân, khiến tác phẩm trở nên khách quan, mang tính trừu tượng rất riêng và gây ấn tượng một cách cảm khái và chân thực. Đó là sự biểu cảm về thức nhận thế giới tự nhiên tồn tại dưới tác động ràng buộc của các mối quan hệ, bằng trực giác, tức là không viện đến sự lý giải, hướng người thưởng thức thấu hiểu cái bản chất của vật chất và hiện tượng trong thiên nhiên, cũng như cái bản chất thường hằng của đối tượng biểu cảm một cách chân xác.

Hay nói cách khác, đọc tranh sơn mài của Ngô Hải Yến cho ta thấy sự hòa trộn tự nhiên của thế giới tâm linh và thế giới hiện sinh trong sự bất định - một bản chất của cái đẹp ẩn sau ngôn ngữ đặc trưng của hội họa. Từ đó, một cách cũng rất tự nhiên, cho ta thấy chủ đích của tác giả muốn vượt khỏi những nguyên tắc thông thường của hội họa để tiệm cận tới cái đẹp, mà vẫn giữ được cốt cách, giữ được hồn dân gian, đạt đến một thủ pháp nghệ thuật hình thành trong quá trình lao động sáng tạo miệt mài, đầy bản lĩnh.

Đọc tranh sơn mài của Ngô Hải Yến ta thấy nổi bật những khối hình, gần với điêu khắc như thường thấy ở các bức phù điêu, ở đó biểu tả cái đẹp vận động không xác định trong một không gian xác định. Từ bên ngoài không gian đó, ở các góc độ không giống nhau, người thưởng thức nhận ra cái đẹp gần với bản ngã của chính nó, cái bản ngã “sinh ra” từ sự xâm nhập lẫn nhau của các thành phần tự nhiên như ánh sáng, màu sắc, đường nét, ở mức độ nào đó cả âm thanh, quyện vào nhau thành ý và tứ dưới hình thức ngôn ngữ hội họa, để cuối cùng thức nhận một điều: cái thần thái của bản ngã ấy ẩn dưới lớp vỏ ngôn ngữ ấy, chứ không phải ở chính ngôn ngữ ấy; quyền năng trực giác giúp ta cảm nhận cái đẹp hiện ra trong sự bất định, cũng chính là cái đẹp bất định.

Đọc tranh Ngô Hải Yến, ta thấy tác giả ý thức được con đường tiệm cận đến sự phóng khoáng, mà mỗi nghệ sĩ cần xác định, ở bậc nào đó, là một đặc trưng, một xu hướng vươn tới của hội họa hiện đại - sự phóng khoáng tùy thuộc vào khả năng giải phóng năng lượng của từng người trong lao động sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng không thể đoạn tuyệt với những niêm luật hoặc những quy tắc tối thiểu, điều cho phép người nghệ sĩ tránh được con đường “số hóa” như một trào lưu trong tương lai, không chỉ đối với các loại ngôn ngữ, ngược lại họ càng khẳng định những giá trị cao quý và sâu sắc do cái đẹp và trí thông minh đem lại. Ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, trong đó bao gồm ngôn ngữ hội họa, đôi khi khiến người thưởng thức đối mặt với những ẩn dụ mang tính biểu tượng, có vẻ không giống thật; song, như danh họa Pablo Picasso (1881-1973) từng nói: “Nghệ thuật là một lời nói dối làm cho chúng ta nhận ra sự thật”.

Trên những quy tắc tối thiểu và chất liệu truyền thống, tranh sơn mài của Ngô Hải Yến có những bước chuyển mình trong kỹ thuật biểu tả niềm khao khát “chớp” được vẻ đẹp trong từng khoảnh khắc, từ sự vận động không ngừng của thế giới tự nhiên hòa quyện cùng tâm hồn mẫn cảm, để tạo nên những khối hình chứa niềm khắc khoải, thỏa mãn tình mẫu tử, cả nỗi trằn trọc và bừng thức của đam mê cháy bỏng bằng những gam màu chồng lớp, cho cái đẹp tỏa ánh sáng lấp lánh, cuốn hút người thưởng thức nhìn vào chiều sâu bất định mà thâm trầm ngẫm suy…

Cao Ngọc Thắng