Cách làm bánh trôi ngũ sắc bằng màu tự nhiên đơn giản tại nhà
Để tăng thêm tính thẩm mỹ cho mâm cỗ dâng cúng gia tiên ngày Tết Hàn thực, Người Hà Nội sẽ chỉ cho bạn cách làm bánh trôi ngũ sắc bằng màu tự nhiên đơn giản tại nhà.
Tháng 3 Âm lịch, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa Hè. Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát. Món ăn này vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực.
Đặc biệt, vào ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Ở nhiều nơi, dân ta cũng làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội. Đây là dịp dành cho những người con đi xa quê sẽ đoàn tụ cùng gia đình, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình.
Nguyên liệu:
- Bột nếp 500g: Chia đều 100g bột cho 5 màu
- Nước ấm 85ml: Tùy vào độ hút nước của bột mà bạn cho lượng nước vừa đủ để nhào bột
- Đường phiến hoặc đường mật mía (60 viên) 150g
- Vừng hoặc mè rang chín 100g
- Lá dứa 30g và 100ml: Tạo màu xanh lá
- Hoa đậu biếc khô 2g và nước sôi 85ml: Tạo màu xanh lam
- Hoa bụp dấm khô 2g và nước sôi 85ml: Tạo màu hồng
- Chanh leo (15ml nước cốt) 3 quả và nước 70ml: Tạo màu vàng
- 100g bột trắng để tạo bánh màu trắng bình thường
Mẹo chọn mua nguyên liệu:
Đường làm nhân bánh trôi: Nếu không tìm được loại đường phiến này thì bạn có thể thay bằng đường thốt nốt rồi cắt thành những viên nhỏ vừa ăn.
Hoa đậu biếc khô và hoa bụt giấm khô thường dùng để pha trà, bạn có thể mua ở các tiệm trà, tiệm thuốc đông y hoặc một số siêu thị cũng sẽ có bán.
Cách làm bánh trôi ngũ sắc đơn giản:
Bước 1: Chuẩn bị màu tự nhiên
Rửa sạch 30g lá dứa (lá nếp), cắt nhỏ rồi cho vào máy xay, xay nhuyễn với 100 ml nước.
Sau đó, cho hỗn hợp đã xay nhuyễn vào khăn lọc, vắt khoảng 85ml lấy nước cốt ra chén riêng.
Chanh leo rửa sạch, bổ đôi, cho thêm 70ml nước và vắt lấy khoảng 85ml nước cốt, bỏ phần hạt.
Hoa đậu biếc khô ngâm cùng 85ml nước sôi để lấy màu xanh lam.
Hoa bụp giấm khô ngâm cùng 85ml nước sôi để lấy màu hồng.
Bước 2: Làm bột bánh
Cho 100g bột nếp vào bát to rồi từ từ đổ 85 ml nước ấm vào, dùng tay nhào đều đến khi khối bột mềm dẻo, không quá khô, rơi rụng hay ướt. Bột mềm mịn, dẻo cảm giác ướt nhưng không dính tay.
Dùng nilon che kín bột để bột không bị khô, ủ trong 30 phút.
Làm tương tự với những màu bột khác. Tỉ lệ bột và nước là 100g bột nếp : 85 ml nước ấm. Bạn nên làm nước màu đặc để khi trộn với bột, màu nhạt dần thành vừa đẹp mắt.
Nhồi bột cho dẻo và mịn, bột không dính tay tương tự như ở trên.
Bước 3: Nặn bánh
Bạn chia khối bột ra làm nhiều phần nhỏ bằng nhau (khoảng 10gram), rồi ấn dẹt từng khối bột, đặt nhân đường vào giữa rồi miết kín lại, vo tròn.
Cần nặn kín bột để không khí không bị lọt vào bên trong bánh, khi luộc bánh sẽ dễ bị nứt hay vỡ.
Bước 4: Nấu chín bánh
Chuẩn bị một nồi nước to khoảng 1,5 lít nước và 1 một tô nước lạnh.
Bạn bắc bếp, đun sôi nước trong lửa lớn, đợi nước sôi mạnh thì hạ lửa vừa, thả bánh vào luộc.
Bánh nổi lên mặt nước là đã chín. Để bánh nổi khoảng 1 - 2 phút trong nồi, việc này giúp vỏ bánh mềm dẻo và nhân có thời gian chảy một chút sẽ giúp bánh ngon hơn.
Vớt bánh ra, thả vào tô nước lạnh cho bánh không bị dính vào nhau.
Nên luộc bánh theo các màu từ nhạt đến đậm để bánh không bị lẫn màu với nhau. Nếu làm nhiều thì nên luộc riêng từng màu, thay nước để các màu và vị không bị lẫn.
Bước 5: Thành phẩm
Bạn cho bánh ra đĩa rồi dùng đầu ngón tay nhúng sơ qua nước, chấm vào bát đựng vừng trắng đã rang chín rồi dính lên mặt bánh. Làm như thế này, vừng sẽ không bị lộn xộn như khi rắc lên trên. Bánh trôi sau khi luộc xong nên ăn ngay trong ngày, bánh sẽ mềm ngon, không bị khô.
Trên đây là chia sẻ về cách làm bánh trôi ngũ sắc bằng màu tự nhiên. Người Hà Nội chúc bạn làm thành công món ăn này nhé!