Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Là (huyện Thường Tín)

Sơn Dương (t/h) 14:00 16/04/2023

Đình Là thuộc xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Đình Là do bốn thôn La Uyên, Phúc Trại (còn gọi là làng Thầy), Thọ Ngãi (nay là Thọ Giáo) và Mai Sao (nay là Mai Sao xã Nguyễn Trãi và xóm Mai Hồng thuộc thôn Thọ Giáo) khởi dựng.

Đình Là thờ Minh Lang đại vương làm Thành hoàng làng. Vị thần này có công đánh giặc giúp nước thời Hậu Lê. Thần họ Nguyễn, tên Phục, người xã Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, Hải Dương. Đỗ Hoàng giáp năm Thái Hoà thứ 11 (1453) đời vua Lê Nhân Tông. Ông đã giữ chức Hàn lâm Đại học sĩ, kiêm chức Vương phó (thày dạy học các vương tử).

Khi vua Lê Thánh Tông đánh giặc Chiêm Thành, sai Nguyễn Phục chỉ huy vận chuyển lương, nhưng trong quá trình vận chuyển lương thực theo đường biển thì gặp gió bão, quân lương vào chậm mất một ngày nên bị xử phạt theo quân luật. Vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho ông, phong ông , là Minh Lang đại vương.

Cổ xưa, đình có cây cầu bắc qua sông Nhuệ làm theo kiểu thượng giá hạ kiều. Mô hình cầu, đình, chợ liên hoàn là đặc điểm nổi bật của văn hoá làng quê thờ Lê - Mạc. Nguyên xưa, đình chỉ có một toà Đại bái, cấu trúc mặt bằng chữ “nhất”, bốn phía bốn mái đao cong. Vào thời Nguyễn năm Bảo Đại thứ 11 (1936), xây thêm 3 gian hậu cung song song với Đại bái. Năm 1948, thực dân Pháp đốt toà Hậu cung. Sau khi thống nhất đất nước, nhân dân đã xây lại.

Đại bái đình là công trình kiến trúc thời Mạc trải dài gồm 3 gian 2 chái với 4 mái lá. Mái trước và mái sau rộng bản còn hai mái đầu hồi hẹp tượng trưng cho tứ tượng. Nhìn từ bên kia sông, thấy ngôi đình in bóng xuống nước như con thuyền khổng lồ đang lững lờ bơi, mái đình lợp ngói mũi hài lớp lớp như vảy rồng. Hai bộ vì trục chính gian giữa toà Đại bái kết cấu 8 cột gỗ, cột chính cao 450cm, chu vi 230cm, bốn cột quân phía trước và phía sau thấp và nhỏ, trên đỉnh cột đều có đấu vuông thót đáy và trên thân cột đục lỗ để ghép sàn, dưới chân cột kê đá tảng, đây là đặc điểm kiến trúc đình thời Lê. Kết cấu hai bộ vì chính gian giữa làm theo kiểu rường cốn, bộ vì thượng làm kiểu chồng rường con nhị, trên thân chạm hoa văn. Đầu dư chạm hình đầu rồng mang tính chất trang trí. Dưới bụng câu đầu có dòng lạc khoản bằng chữ Hán cho biết năm xây dựng ngôi đình năm 1581. Câu đầu bộ vì giữa cũng viết dòng lạc khoản ghi năm tu bổ vào năm 1936. Giữa cột cái và cột quân là bộ vì hạ làm kiểu rường cốn đặt trên xà nách, trên thân chạm hoa văn. Nghệ thuật điêu khắc trên lớp kiến trúc của hai bộ vì thượng có mảng điêu khắc lưỡng long chầu nguyệt, rồng thân to, đuôi xoắn, tóc dựng, đây là phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Nghệ thuật điêu khắc phải nói tới bộ rường cốn vì hạ phía sau giáp hậu cung. Ở đây, nghệ thuật điêu khắc thời Lê - Mạc khá rõ nét, một bộ rường cốn có mảng điêu khắc nghệ thuật chạm lộng rồng tạo khối hình ô van, con rồng hình yên ngựa, đấu đầu vào thân lộ ra đôi mắt lồi, mũi tròn, miệng loe, tai dơi, từ đầu rồng phát ra hai phía những tia mác mảnh... Trên bộ vi hạ rường cốn thứ hai chúng ta cũng thấy tác phẩm rồng thời Mạc trên đấu, trên thân đầu rường và mảng cốn...

Trong đình Là, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy những bức chạm nổi bong kênh, khắc chìm tích lưỡng long chầu nguyệt trên ván thưng ở hai đầu hồi gian chái, đây cũng là tác phẩm điêu khắc thời Mạc.
Tiếp sau là Hậu cung là ngôi nhà ba gian song song với Đại bái. Hậu cung xây tường hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri bời nóc chữ “đinh”, kìm đấu chữ “nhật”. Kiến trúc gỗ của những bộ vì làm theo hình thức quá giang kèo cầu và có hệ thống trần vòm mai cua.

Đình Là đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2003./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)