Đình Lam Cầu (huyện Gia Lâm)
Đình Lam Cầu (xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là di tích thờ Thành hoàng làng là Bạch Mã đại vương - vị thần trấn giữ phía đông kinh thành, một trong “Thăng Long tứ trấn”.
Tương truyền vào thế kỷ IX, sau Công nguyên, viên quan đô hộ nhà Đường là Cao Biền đắp La thành, khi ra ngoài cửa Đông thấy một người lạ trong đám mây ngũ sắc, Biền vốn là đạo sĩ, có ý muốn trấn áp. Đêm Biền nằm mộng thấy người đó tự xưng là Long Đỗ, Biền đem búa bằng đồng chôn yểm. Đêm sau nổi mưa gió, sáng ra thấy búa đồng bị đánh tan như bụi. Biền sợ và lập đền thờ. Năm 1010, đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, nhờ đó thành mới đứng vững. Lý Thái Tổ phong Long Đỗ làm Thần hoàng của kinh thành Thăng Long.
Đình Lam Cầu được xây dựng từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy một tư liệu nào nói về năm khởi dựng, nhưng theo lời các cụ truyền lại, thì đình Lam Cầu trước kia cổ kính và bề thế với cổng Tam quan to cao, hai bên có Tả hữu mạc giữa sân đình có giếng sâu khoảng 10m, xung quanh xếp gạch vồ. Đình chính có kết cấu 5 gian, 2 dĩ, 4 góc đao có mái cong. Cũng theo như các cụ cao tuổi ở địa phương còn cho biết thêm ngôi đình chính là nhà oản của bà vợ chúa Trịnh bán lại cho làng khi nhà Trịnh suy tàn (theo sử sách nhà Trịnh suy tàn vào năm 1788). Đồng thời căn cứ vào kết cấu kiến trúc với những mảng chạm khắc vân mây, đầu dư... có thể khẳng định ngôi đình ra đời vào cuối thời Hậu Lê.
Đình Lam Cầu được xây dựng trên một khu đất cao thoáng mát, đình nằm hướng nam của thôn nhìn ra cánh đồng lúa bát ngát. Toà Đại đình với kết cấu 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, bờ nóc đắp kiểu bờ định không trang trí, hai bên bờ nóc đắp nổi hai trụ biểu. Đình có kết cấu 6 hàng chân cột được kê chân tảng đá xanh, bộ khung đỡ mái với sáu bộ vì kèo kết cấu kiểu “thượng ván mê - trung kẻ chuyền - hạ bẩy hiện”.
Toà Tiền đường có kết cấu 3 gian, phía trước mở một cửa làm kiểu ván bưng, hai bên là cửa sổ trấn song gỗ, bộ khung đỡ mái với 4 bộ vì kèo kiểu “giá chiêng”. Phần tiếp giáp gian giữa Tiền đường là Hậu cung, xây 1 gian hẹp lòng chính giữa là ban thờ xây tường gạch cao 1m, bên trên đặt các đồ thờ.
Đình có lịch sử xây dựng từ lâu đời và đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa nhưng vẫn mang nét đẹp của phong cách kiến trúc cổ truyền. Hiện đình còn bảo lưu một hệ thống di vật phong phú, đa dạng về chất liệu như hương án, hoành phi, câu đối, ngai thờ được chạm khắc tinh xảo với các đề tài trang trí truyền thống “tứ linh”, “tứ quý” mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX đã góp phần làm tăng giá trị của di tích trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc.
Đình Lam Cầu đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01