Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, đền, chùa Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 18:00 16/04/2023

Cụm di tích đình, đền, chùa Kiêu Kỵ thuộc thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đình, đền, chùa Kiêu Kỵ nằm ở phía bắc sông Hồng cách thủ đô Hà Nội 15km là tên gọi theo địa danh thôn Kiêu Kỵ. Chùa có tên chữ là Sùng Phúc tự.

Các thôn ở Kiêu Kỵ vốn là những làng Việt cổ có lịch sử tạo dựng và phát triển lâu đời. Các làng sớm có kinh tế phát triển với nhiều ngành nghề thủ công cổ truyền đặc biệt là nghề dát vàng và làm mực nho.

Mảnh đất nơi đây còn lưu truyền nhiều dấu tích lịch sử. Thời vua Trần dẹp giặc Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII. Nguyễn Chế Nghĩa - một danh tướng vì có công dẹp tan giặc ngoại xâm, ông được nhà vua ban cho đất Kiêu Kỵ làm thái ấp. Sau khi ông mất dân làng suy tôn ông làm Thành hoàng làng và lập đền thờ phụng tưởng nhớ ông mãi mãi. Vị thần thứ hai được thờ phụng tại đền là ông Nguyễn Quý Trị, người làng Kiêu Kỵ, được dân làng tôn thờ là ông tổ nghề dát vàng của Kiêu Kỵ, giúp cho người dân có cuộc sống thịnh vượng.

Đình làng, có niên đại xây dựng muộn hơn so với đền và chùa. Đình làng thờ Thần Nông là một trong 5 vị thần thời thượng cổ dạy dân biết cày bừa trồng trọt. Đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tổ chức nghi lễ tế thần. Hội làng hàng năm được tổ chức từ ngày 28 tháng tám âm lịch tại đình và kéo dài trong 3 ngày với phần lễ có các nghi lễ tế thần và phần rước kiệu thánh từ đền xuống chùa Bà Tấm, sau đó lại rước trở lại đền tế yên vị. Lễ vật tế thần có bánh cốm, bánh su sê. Phần hội có các trò chơi dân gian cổ truyền như cờ người, rối nước, đấu vật, đu cầu...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình, đền, chùa Kiêu Kỵ là địa điểm sinh hoạt hội họp bí mật của cán bộ Xứ uỷ, nơi diễn ra các cuộc họp của Uỷ ban kháng chiến cách mạng, nơi dân quân du kích luyện tập tập huấn võ trang…..

Đình, đền, chùa Kiêu Kỵ được xây dựng trên một khu đất cao ráo rộng thoáng kề bên khu cư trú của làng, là nơi thờ phụng những vị thần có công với dân với nước, chùa thờ Phật cầu phúc lành cho dân.

Đền Kiêu Kỵ: Gồm cổng Tam quan, toà đền chính kết cấu kiểu nội công ngoại, cổng phía ngoài xây kiểu trụ lồng đèn, đỉnh trụ đặt bình rượu, hai trụ nhỏ hai bên đỉnh trụ đắp hình chim phượng.

Đình Kiêu Kỵ: Trước tòa đình là một hồ nước khá rộng, khoảng sân đình rộng, đình hướng nam. Tòa Đại đình kết cấu kiểu chữ “đinh” gồm Tiền tế và Hậu cung.

Chùa Sùng Phúc: Chùa có quy mô kiến trúc khá bề thế khang trang, chùa nhìn về hướng nam gồm các công trình kiến trúc như cổng Tam quan, nhà Tiền đường, Thượng điện, nhà thờ Tổ, thờ Mẫu, hai dãy nhà dải vũ...

Trải qua thời gian dài tồn tại, qua những biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc đã làm mất mát những nguồn tư liệu thành văn ghi chép quá trình khởi dựng và nhiều lần trùng tu sửa chữa của đình, đền, chùa. Tuy nhiên cụm di tích đình đền chùa Kiêu Kỵ vẫn còn bảo lưu được khối kiến trúc vật chất cùng bộ sưu tập di vật cổ nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại:

Đền hiện còn lưu giữ 32 đạo sắc phong, có các niên đại trải dài từ thời Lê - Tây Sơn và Nguyễn. Trong đó có sắc sớm nhất niên đại Đức Long thứ nhất (1629) và tấm bia đá gắn trên tường đề niên đại Cảnh Hưng thứ 41 (1780) ghi chép công đức tu sửa đền. Ngoài ra còn có các di vật bằng gỗ, đồng, sứ thế kỷ XVIII - XIX.

Đình còn lưu giữ một hương án sơn son, một bộ bát bửu thanh đạo thế kỷ XIX, một bát hương sứ men lam thế kỷ XIX, một bức cửa võng trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt thế kỷ XIX.

Chùa còn lưu giữ một hệ thống tượng tròn trong đó có nhiều pho tượng được tạo tác thời Lê như tượng A Di Đà, Thế tôn.. những đồ đồng, gỗ, đồ đá, sứ thế kỷ XVIII - XIX. Tấm bia niên hiệu Tự Đức năm Bính Tý (1876) ghi việc trùng tu sửa chữa lại chùa, những di vật văn hóa hiện còn trong chùa cùng bộ sưu tập tượng tròn và diện mạo kiến trúc của chùa là những căn cứ chứng minh về nguồn gốc lịch sử sự biến động đổi thay của ngôi chùa trong lịch sử dân tộc.

Cụm di tích đình, đền, chùa Kiêu Kỵ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)