Hiện thực hay hư cấu?
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 18:34, 03/07/2022
Một sự phân thân trong ảo ảnh tiềm thức. Một cuộc kiếm tìm đầy bí hiểm. Một nỗi trăn trở, giằng co. Một cuộc tranh luận không hồi kết… Cứ thế, “Dựa trên một câu chuyện có thật” của nhà văn Delphine de Vigan cuốn hút người đọc bằng những dòng chảy của một tiểu thuyết vừa mang màu sắc trinh thám tâm lý vừa mang màu sắc phân tâm học để từ đó bàn sâu về trách nhiệm lựa chọn giữa thực tế và hư cấu của người viết sống giữa thời đại truyền hình thực tế lên ngôi.
“Dựa trên một câu chuyện có thật” - bản dịch từ tiếng Pháp của dịch giả Trần Văn Công - vừa được Nxb Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản năm 2022. Cuốn tiểu thuyết có “dáng vẻ” khá mỏng mảnh khi chỉ dày hơn 400 trang với khổ nhỏ xinh: 14 x 20,5 cm.
Được bố cục làm 3 phần: Quyến rũ, Suy sụp và Phản bội, “Dựa trên một câu chuyện có thật” không xây dựng các tuyến nhân vật phức tạp mà chỉ tập trung vào mối quan hệ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn của 2 nhân vật: “Tôi” - nhà văn Delphine và L. - vốn là nhà báo nhưng hiện nay là người viết thuê. Tất nhiên, giữa mối quan hệ này sẽ có một vài nhân vật liên quan điểm xuyết khi được nhắc tên hay xuất hiện trong giây lát như: Francois (bạn trai của Delphin), Louise và Paul (con của Delphin), Corinne, Nathalie, Lionel Duroy, Agnès Desartthe...
Câu chuyện được kể ở đây khá giản đơn: Sau thành công bất ngờ từ cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện về gia đình của mình, nhà văn Delphine rơi vào tình trạng sợ viết. Tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng khi cô nhận được những lá thư phản ứng, la ó của độc giả, đến nỗi: “Chỉ cần thấy một tập giấy nhắc việc, một cuốn sổ, một thếp giấy Bristol là đủ để tôi buồn nôn”. Giữa lúc đó, cô gặp L. - được cho là một người bạn học từ hồi phổ thông nhưng cô chỉ ngờ ngợ giữa khoảng ký ức trắng. Dù vậy, cô đã bị L. quyến rũ, mê hoặc và dần bước vào, thậm chí là chi phối đời sống thường ngày cũng như đời sống văn chương của cô…
Dù nút thắt khá mờ ảo, không quá kịch tính nhưng ở trong sự nhẹ nhàng, đơn giản ấy lại không ngừng cuộn lên biết bao lớp sóng đối thoại giữa 2 người viết. Sau mỗi đợt sóng trào dâng, họ vẫn có thể dung hòa để rồi sau đó tiếp tục đẩy đến lớp lớp đỉnh điểm. Ở đó có chiến thắng, có khuất phục nhưng khó lòng tìm thấy sự hả hê mà luôn là những trăn trở, cật vấn, giằng xé.
Độc giả còn dễ dàng bị cuốn vào L. - người vừa có hình hài rõ nét vừa là ảo ảnh xa - gần, khó đoán định. Từ đó, mọi người được “nhập vai” là những “thám tử” thấy cảm thương cho Delphin - người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, mong manh, dễ dàng bị cuốn hút, bị ma mị bởi sự tương đồng của vẻ bên ngoài để mà tức tốc cùng Delphine kiếm tìm, truy vết, lật tẩy L. Thế nhưng, khi đi đến những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết thì dường như ai cũng ngỡ ngàng, hồ nghi: Phải chăng L. hiển hiện ngay trong Delphine. Đó là một sự phân thân trong tâm tưởng được chính Delphine không ngừng cộng gộp từ các chi tiết, nhân vật ở mỗi cuốn sách cô từng đọc mà thành L.- một người hơi mơ hồ về nguồn gốc nhưng lại có đủ bi kịch đớn đau của cuộc đời. Và, chỉ khi đó Delphine mới có thể thẳng thắn đối thoại, tranh luận với chính mình khi đi trên lằn ranh giữa thực tế và hư cấu.
Cuộc đối thoại và tranh luận diễn ra ở nhiều thời điểm, tại nhiều địa điểm và chiếm đến 80% số trang nên dù nhìn bề ngoài “Dựa trên một câu chuyện có thật” có vẻ mỏng mảnh nhưng thực chất ăm ắp tính luận đề. Trong đó, Delphin là đại diện cho sự lựa chọn thể loại tiểu thuyết hư cấu. Sau thành công của cuốn tiểu thuyết mới nhất mang màu sắc tự truyện, cô gọi đó là một sự kết thúc chứ không phải là sự khởi đầu. Cô cho rằng: “Sự thật không tồn tại”; “Truyện kể chính là một ảo ảnh. Nó không tồn tại”, vì: “Một cách kể chuyện qua lăng kính biến dạng, lăng kính của nỗi đau, của sự hối tiếc, chối bỏ. Của cả tình yêu nữa. Cậu biết rõ điều đó mà. Ngay khi chúng ta tỉnh lược, kéo dài, thu hẹp, lấp đầy các lỗ hổng, ấy là chúng ta đang hư cấu”. Vả lại, cuốn tiểu thuyết viết đó gây tiếng vang song khiến cô sợ hãi trước bàn phím máy tính, chẳng thể viết nổi 3 từ. Thế nên, bây giờ Delphine nhất quyết “muốn trở lại với thể loại hư cấu, kể một câu chuyện, sáng tác ra các nhân vật không phải nợ nần gì thực tế”.
Đối lập lại, L.- một cây bút chuyên viết thuê cho các ngôi sao giải trí (một cách có chọn lọc) lại phản pháo: “Viết văn phải là một cuộc tìm kiếm sự thật, nếu không nó không là gì cả”, “Viết văn chỉ là viết về chính mình” với những việc: “tìm kiếm điều tiềm ẩn”, “mở lại những vết thương, cào xới, đào sâu bằng tay…”. Vì vậy, L khẳng định cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện của Delphine là một thành công gây tiếng vang sau khi Delphine “rời khỏi lãnh thổ của tiểu thuyết, rời xa cái giả tạo, sự dối trá…” để độc giả: “muốn cậu tiến xa hơn. Họ muốn những gì được che đậy, giấu kín…”. Từ đó, L. thôi thúc và chờ đợi: “một cuốn sách ma, còn mang tính cá nhân hơn nữa…” từ Delphine.
Cứ thế, họ đối thoại, tranh luận, tự cật vấn và từng bước thu phục lẫn nhau. Đã có lúc Delphin bị L. xâm nhập, chi phối thậm chí là thay thế nhưng bằng mọi cách cô luôn cố gắng vẫy vùng thoát ra. Tại cuộc tranh luận cuối cùng, cô bị L. thu phục và bước đầu viết trở lại một cuốn tiểu thuyết bí mật kể lại chính cuộc đời bí ẩn của L.
Nhưng một cái kết bất ngờ đã xảy ra, gợi mở cho những hoài nghi: L. thực sự là ai? Ai đã viết cuốn tiểu thuyết “thật nguy hiểm và tuyệt vời”?. Cuối cùng “hiện thực” có chiến thắng “hư cấu”?. Và cũng thật thú vị khi câu trả lời được nhà văn Delphine de Vigan chủ động dành cho mỗi nhân vật ngay trong tiểu thuyết (“L. đã chiếm đoạn danh tính của tôi để viết một tác phẩm hay hơn nhiều tất cả những tác phẩm tôi từng viết”; “L đã lừa tôi. L. đã biến mất, đã bốc hơi” - Delphin khẳng định; “Có thể em đã bịa ra cô ta để viết cuốn sách đó” - Francois nhận định…) song vẫn thúc giục độc giả phải tự tìm cho riêng mình một đáp án sau những giây phút chậm rãi lật từng trang tiểu thuyết giành giải Renaudot, giải Goncourt và “không thể không đọc” (Le Figaro)