Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Thành phố của tình yêu và nỗi nhớ

Phạm Thị Thu Thủy 16/04/2023 08:04

1. Cuộc đời con người đã đi qua bao nhiêu con đường? Có lẽ chẳng ai có thể tính hết được. Thành phố này luôn hối hả mỗi sớm mai, khi người người lao mình đến công sở, trường học, bệnh viện… Những con đường trở nên chật chội với đủ loại âm thanh, đủ thứ phương tiện. Nhưng có những con đường khiến ta như lạc vào một thế giới khác.

ha-noi-ngo-nho-pho-nho.-anh-tuan-huy.jpg
Hà Nội - ngõ nhỏ, phố nhỏ. Ảnh: Tuấn Huy

Qua đường Quán Thánh, bước sang Thụy Khuê cũng là lúc không thể chen chân, đành quay xe sang đường Thanh Niên rồi rẽ qua Vườn hoa Lý Tự Trọng, chỉ mấy chục mét thôi, mà như lạc vào thế giới khác. Khi con đường Nguyễn Đình Thi mở rộng trong đáy mắt. Con đường nhỏ một bên là những tòa nhà được xây từ thời Pháp, giờ là khuôn viên của một trường trung học có tiếng, một bên là mặt hồ với sóng nước mênh mông. Đi tiếp là khu ngoại giao với hàng liễu rủ bóng hai bên đường. Xa nữa, thấp thoáng những hàng cafe khép mình dưới tán lá. Chạy xe thật chậm, hít hà cho thỏa cái vị mát lành của hơi nước. Một vùng trời đủ rộng để thả hồn bay bổng mà quên đi cái khoảng không vốn rất hữu hạn của thành phố ngày càng đông vui, náo nhiệt này. Hình như mùa thu luôn ở lại đây. Trên làn sóng nhẹ vỗ lăn tăn, trên gương mặt rạng rỡ của những bạn trẻ đang tạo dáng chụp ảnh cho nhau.

Gạt ra ngoài tất cả những ồn ã, náo nhiệt, xô bồ, con đường ấy tồn tại bên hông phố thị. Gió mơn man trêu đùa trên làn tóc rối. Sóng vô tư đuổi nhau hết lớp này đến lớp khác, thì thào trên sống mũi cay cay. Nó khiến người ta nhớ đến một miền quê nào đó, nơi con sông quê hương vẫn ngày đêm cuộn mình trong ký ức...

chua-tran-quoc-soi-minh-xuong-mat-ho-tay-tho-mong.-anh-tuan-huy.jpg
Chùa Trấn Quốc soi mình xuống mặt Hồ Tây thơ mộng. Ảnh: Tuấn Huy

Tôi thích ngắm Hồ Tây qua làn sương mỏng mỗi chiều tan sở. Bờ bên kia mờ ảo những tòa nhà chọc trời. Khi mặt trời còn là một vùng đỏ ối, luyến tiếc điều gì mà không chịu tan vào cõi hư vô. Cũng tận hưởng cái se se, ngây ngấy của từng cơn gió như níu bờ vai, hơi thở của lữ khách. Tôi gặp những ngư lão đứng trên kè đá, tay buông cần rất lâu, rất lâu không hề lay động. Dường như đích đến không phải là những con mồi dưới kia, mà nằm ở một nơi chốn xa xăm nào đó. Thời gian ngừng chảy trên mũi câu hay con người muốn níu thời gian dừng lại nơi đây? Tôi ngừng suy nghĩ, sững người trước hình ảnh cụ ông đang chải tóc cho cụ bà. Mái tóc lưa thưa trắng xóa đẹp một cách kỳ lạ trong ánh chiều tà. Chợt hiểu, cuộc đời người còn gì hạnh phúc hơn khi tuổi già bóng xế mà vẫn tay trong tay, âu yếm cận kề?

lung-linh-dem-ho-guom.-anh-tuan-huy-1-.jpg
Lung linh đêm Hồ Gươm. Ảnh: Tuấn Huy

Tôi dẫn người bạn đến từ một thành phố phương Nam xa xôi tản bộ dọc theo con đường ấy rồi rẽ vào một quán nhỏ. Từ tầng hai của quán, có thể phóng tầm mắt ôm trọn cả con đường cùng mặt hồ lấp lánh ánh bạc. Bạn bảo, ngạc nhiên quá khi thấy Hà Nội có một không gian yên bình và... lãng mạn như phim Hàn vậy! Bạn đã rất ấn tượng với những công trình văn hóa mang dáng dấp một Thủ đô ngàn năm văn hiến với Hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm lịch sử, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn… Bạn cũng rất thích thú khi được thưởng thức những món ăn truyền thống như: Phở Thìn, nem tai Bà Hồng, phở cuốn Ngũ Xã… Cũng từng “lạc lối” bởi những “sản phẩm” đặc trưng của một thành phố đang trên đà phát triển mạnh mẽ: Những con đường ngổn ngang với những công trình xây dựng dang dở, hay một vài thói quen vô ý khiến nạn kẹt xe, tắc đường ngày một thêm trầm trọng... Nhưng trên hết, bạn thích những góc nhỏ bình yên như thế mà bạn không thấy ở thành phố bạn đang sống. Để rồi khi xa Hà Nội, bạn luôn tìm cơ hội để trở lại. Bạn nói, bạn yêu thành phố này!

2. Còn tôi, không sinh ra ở đây, nhưng đã gắn bó với nơi này mấy mươi năm qua. Ngày ấy, 18 tuổi, từ vùng quê nghèo lam lũ, tôi lần đầu đặt chân đến Thủ đô hoa lệ. Cảm giác đầu tiên có lẽ là choáng ngợp trước những tòa nhà cao tầng, người xe đi lại như mắc cửi. Bố tôi, một cán bộ quân đội công tác mãi tận Tây Nguyên về đưa con gái đi nhập học đại học dặn dò: “Con ở gần trường để tiện đi học, nhớ đừng có đi đâu xa kẻo lạc”. Bố vẫn thế, con gái lớn rồi nhưng vẫn sợ bị người ta “bắt cóc” mất! Nhưng mà bố không biết, con gái bố đã lớn, đã khao khát được khám phá và trải nghiệm.

cdscf4214.jpg
Tác giả chụp ảnh bên Hồ Gươm.

Vậy là ngay chủ nhật của tuần đầu tiên nhập học, tôi lấy xe đạp “lượn” khắp phố phường cùng tấm bản đồ du lịch trong tay. Lần đầu đến những nơi mà mình mới chỉ biết đến qua sách vở, từ Lăng Bác đến Quốc Tử Giám, từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đến Công viên Bách Thảo... Tôi nhớ, chuyến ấy, dù có bản đồ trong tay, tôi đã lạc ở ngã tư Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) gần chục lần. Quay đi quay lại biết bao lần, cứ tưởng đã “thoát” mà mấy phút sau vẫn quay lại chỗ cũ. Cuối cùng không còn cách nào khác, tôi rụt rè đến gần anh cảnh sát giao thông hỏi đường. Anh nghiêm nghị rồi cười cười: “Em là sinh viên mới nhập học phải không?”. Tôi mở tròn mắt ngạc nhiên: “Dạ đúng, sao anh biết ạ?”. Anh không trả lời câu hỏi của tôi mà tận tình chỉ cho tôi rẽ phải, rẽ trái ra sao để về được nơi tôi ở. Giờ nghĩ lại vẫn bật cười một mình, điệu bộ lơ ngơ của cô sinh viên tỉnh lẻ ấy ai mà chẳng đoán được!

hoang-hon-ho-tay.-anh-pham-hung-1-.jpg
Hoàng hôn Hồ Tây. Ảnh: Phạm Hưng

Và rồi rất nhanh, cái cảm giác lạ lẫm ấy không còn nữa. Đó là những lần tôi cùng cô bạn thân vi vu từ Thanh Xuân lên Cầu Giấy, sang Hai Bà Trưng đi thăm mấy người bạn cùng quê học ở các trường Sư phạm, Ngoại ngữ, Bách khoa, Xây dựng… Hay cùng nhóm bạn trong lớp đi tham quan, dã ngoại tại những địa danh văn hóa, lịch sử, từ Đền Gióng (Sóc Sơn) đến đỉnh núi Ba Vì.

Năm thứ ba đại học, tôi có người yêu, một chàng trai cũng đến từ tỉnh lẻ như tôi, đang là học viên một trường quân đội. Chúng tôi đã cùng nhau lang thang khắp thành phố, khám phá những phố nhỏ, ngõ nhỏ của 36 phố phường, chia sẻ với nhau thú vui đọc sách, khi ngồi “lỳ” ở nhà sách Mão, phố Đinh Lễ suốt mấy tiếng đồng hồ đọc ngấu nghiến một cuốn sách yêu thích nào đó. Năm thứ tư thì “cắm chốt” ở Thư viện Quốc gia suốt những ngày làm khóa luận tốt nghiệp. Tôi nhớ, sau những giờ phút tập trung nghiên cứu, thường lang thang trong khu vườn trước sân thư viện. Cái cảm giác an bình, dịu ngọt cứ ở mãi trong lòng khi ngắm nhìn những hàng cây xanh biếc hay những chú chim sâu lích rích di chuyển trên vòm lá.

mot-nguoi-ban-cuc-hoa-mi-tren-pho.-anh-tuan-huy.jpg
Một người bán cúc họa mi trên phố. Ảnh: Tuấn Huy

Ai đó nói sợi dây nối kết với mảnh đất mình đang sống chính là những khoảnh khắc đang nhớ của cuộc sống thường nhật. Thế nên, 4 năm đại học đủ để tôi phân vân lựa chọn khi bố hỏi, muốn về quê làm việc hay ở lại Thủ đô? Tôi đã quyết định ở lại thành phố này dù biết những khó khăn sẽ gặp ở phía trước, để có thể thỏa sức đam mê với nghề nghiệp mình đã lựa chọn và để chờ đợi chàng sĩ quan tương lai-mối tình đầu của mình…

Sau hai năm ra trường, chúng tôi cưới nhau. Thành phố này đã trở thành quê hương thứ hai, để chúng tôi cùng xây dựng một mái ấm có đủ nếp, tẻ và phấn đấu trên bước đường công tác. Mới đó mà đã 20 năm có lẻ. Cùng với sự phát triển của một Thủ đô văn minh-thanh lịch-hào hoa, tôi cũng đã trưởng thành. Không còn là cô sinh viên Văn khoa mộng mơ, lãng mạn ngày nào, cũng nếm trải đủ những đắng cay, ngọt bùi để thấy thành phố này đã trở thành một phần máu thịt của mình. Để đi xa là da diết nhớ và muốn quay trở về. Để đắm say và hạnh phúc vì mình là một phần của nơi đây-thành phố của tình yêu và nỗi nhớ trong tôi!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Thị Thu Thuỳ. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Phạm Thị Thu Thủy