Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ Hoàng giáp Kiều Phú (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 16/04/2023 11:00

Nhà thờ Kiều Phú được gọi theo tên dòng họ Kiều Phú, ở thôn Liệp Hạ, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Thôn Liệp Hạ thời Lê gọi là thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Hạ, tổng Liệp Hạ, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến thời Nguyễn thuộc tỉnh Sơn Tây.

Nhà thờ Kiều Phú nằm ở giữa làng, nhìn ra hướng đông nam gồm ba gian hai dĩ, xung quanh là tường xây bằng đá ong, trên có ba vì kèo gỗ, mái lợp ngói ri cổ. Nhà thờ được làm theo kiểu chữ “nhất”, gian giữa bài trí hương án, các đồ tế tự, hòm đựng gia phả và sắc phong. Trên cùng là một khám thờ, trong có long ngai, bài vị. Bên trái nhà thờ có một tấm bia đá ghi về những người trong họ cung tiến tiền của xây dựng nhà thờ. Theo lời kể của dòng họ Kiều Phú, thì khi xây dựng nhà thờ, mỗi trai đinh trong họ đóng góp ba viên đá ong và cứ ba người góp tiền mua một cây cột hoặc cây xà. Vì vậy đây là công trình chung của cả cộng đồng họ Kiều, được giao cho con cháu trưởng tộc trông nom đèn nhang thờ phụng.

Nhà thờ được xây dựng từ thời Lê, trải qua nhiều lần tu sửa. Kiến trúc hiện tại được khởi dựng lại vào thời Nguyễn.

Liên quan đến di tích này, còn có khu Từ chỉ. Từ chỉ xây dựng như một khu lăng mộ có ban thờ Đường Trần Đạo. Tương truyền nơi đây từng là nơi dạy học và sinh sống rất đạm bạc lúc cuối đời ông. Từ chỉ có một số bệ thờ bằng đá, tượng đá tương tự một số lăng đá thời Lê thế kỷ XVIII.

Nhà thờ này thờ Hoàng giáp Kiều Phú. Ông có tên tự là Hiếu Lễ, hiệu là Linh Sơn, sinh năm 1446, mất năm 1503 đời vua Lê Hiển Tông, thọ 58 tuổi. Khi nhỏ, sống trong gia đình nghèo khó, ông phải đi làm thuê kiếm sống. Song, do thông minh và trí ham học nên mẹ ông đã xin cho theo học trạng nguyên Nguyễn Trực. Được thầy và bạn quý mến giúp đỡ ông đã vượt qua khó khăn lần lượt thi đỗ các kỳ thi Hương đến thi Hội. Trong kỳ thi Hội khoa Ất Mùi năm Hồng Đức thứ 6 (1475) có tới ba ngàn thí sinh dự thi, nhưng ông đã đỗ hạng hai “Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân” (Hoàng giáp). Sau khi thi đỗ, vừa vinh quy bái tổ thì mẹ ông không may đau yếu và qua đời. Ông xin triều đình về quê chịu tang mẹ. Sau ba năm hết tang vua cho sứ giả vời vào kinh bổ nhiệm làm quan. Ông từng làm chức Tham chính, Ngự sử rồi Thái nguyên trấn ty đề hình... Khi nhậm chức ở kinh ông ham đọc sách và đã hiệu đính, viết lời hậu tựa cho cuốn “Lĩnh Nam chích quái” nổi tiếng ở Việt Nam. Trong lời tựa, ông viết: “Kẻ ngu nào khảo rộng sách khác, lại góp thêm ý kiến mình mà đính chính lại, biện bạch lại điều sai suyển của người trước, gỡ mối chê cười của người sau, tước bỏ chỗ phiền phức, chọn lấy những nét giản dị bình thường để trong tráp cho tiện khi đem đọc”. Thực chất ông đã biên soạn lại “Lĩnh Nam chính quái” và lưu truyền nó đến ngày nay. Ông không những giữ trọn chữ hiếu với cha mẹ, mà còn giữ trọn chữ kính với thầy dậy mình. Khi được hưởng bổng lộc, ông đã không quên ơn thầy dạy nên bỏ tiền mua hai đầm thả cá và cấy lúa, giao cho dân làng Văn Khê cúng giỗ thầy học của mình là Nguyễn Trực.

Đức Hạnh và công tích của ông được các hậu nhân hết lời ngợi ca, được các vua quan kính nể. Ở nhà thờ hiện còn nhiều câu đối thơ phú do người đời sau phúng tặng ngợi ca ông như một tấm gương cho bậc hậu học noi theo, ngoài ra còn có một số sắc của các đời vua phong tặng như sắc phong của vua Khải Định năm 1924 phong ông làm Trung đẳng thần.

Kiều Phú là một danh nhân của xứ Đoài, nhà thờ Kiều Phú là nơi tưởng niệm tiền nhân và cũng là một thắng cảnh rất mực tự hào của địa phương. Nhà thờ Kiều Phú đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)