Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Kiều Mộc (huyện Ba Vì)

Sơn Dương (t/h) 09:10 16/04/2023

Làng Kiều Mộc, xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội có một khu di tích lịch sử văn hoá được xây dựng từ lâu đời gồm chùa, đình và miếu. Cũng như chùa, miếu, đình được gọi theo tên làng: đình Kiều Mộc.

Kiều Mộc là một trong bốn thôn của xã Cổ Đô. Nơi đây nằm trong vùng đất Phong Châu cổ có bề dày lịch sử.

Theo truyền thuyết và các tư liệu Hán - Nôm còn lưu trữ trong di tích thì đình Kiều Mộc thờ đương cảnh Thành hoàng Thủy Tộc Tông Phái Hải Tề Tối Linh đại vương. Ngoài là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cũng theo truyền thuyết, Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương trong một lần đi tuần thú gặp Âu Cơ (quê ở Lăng Xương) xinh đẹp lạ thường, bèn hỏi nàng làm vợ. Khi Âu Cơ có mang thì ba năm ba tháng mười ngày mới sinh được một bọc trăm trứng đẻ ra 100 người con trai. Một thời gian sau, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ “ta là loài rồng, nàng là loài tiên, nước hoả khó hợp nhau” hai người bèn chia 50 người con theo cha về biển, 50 người con theo mẹ lên núi. Thuỷ tộc Tông Phái Hải Tế Tối Linh đại vương chi thần là người em út của 50 con theo cha về biển tên là Hùng Ốc Vương, làm chủ của Hà Bá cõi biển Ân Hoa Tây Hồ.

Đình có quy mô lớn gồm nhiều hạng mục công trình: Nghi môn, Tả Hữu mạc và Đại đình.

Nghi môn trước đây làm theo kiểu nghi môn trụ bề thế uy nghi, nhưng đã bị phá huỷ nên thay bằng kiểu đơn giản gồm hai trụ biểu có mặt cắt hình vuông.

Cách cổng Nghi môn một khoảng sân rộng là toà Đại đình. Xây dựng theo kiểu chữ “đinh” trên một nền cao. Đại bái 5 gian 2 dĩ, có tường hồi bít đốc. Hậu cung của đình là một ngôi nhà dọc nối liền đại bái kiểu “chuôi vồ”. Hậu cung gồm 2 gian 1 dĩ với kết cấu bộ vì 4 hàng chân, hai mái tầng “thượng chồng rường, con nhị bẩy hiện”.

Tả hữu mạc là hai ngôi nhà 3 gian, tường hồi bít đốc, có các bộ vì kèo kiểu “quá giang cột trốn trên tường”.

Về mặt điêu khắc, nếu như ở Đại bái được trang trí khá cầu kỳ thì ở Hậu cung, Tả-Hữu mạc lại thiên về bào trơn, đóng bén thể hiện sự bền thoáng, cao xa, và tiện lợi sử dụng. Trên bộ khung nhà Đại bái hầu hết các nghé bảy, câu đầu đều được chạm khắc với đề tài lá lật vẩy rồng. Đầu rường chạm vân mây cụm, lá lật hoặc tứ linh rất sinh động. Các xà nách được bào soi vỏ măng, các mang chạm “nổi bong” với các đường nét đậm, chắc khoẻ của kiến trúc điêu khắc thế kỷ XVIII.

Trải qua thời gian tồn tại với nhiều thay đổi lớn, nhưng đến nay đình vẫn còn lưu giữ được khá nhiều di vật quý: cuốn thần phả, 1 bức hoành phi, 2 bộ kiệu bát cống và nhiều đồ thờ tự khác. Mỗi di vật mang nét đặc trưng khái quát cho từng loại hình và vẻ đẹp riêng tạo nên sắc thái riêng cho vùng quê Kiều Mộc.

Đình Kiều Mộc được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)