Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Kim Thượng (huyện Sóc Sơn)

Sơn Dương (t/h) 08:00 16/04/2023

Di tích đền Kim Thượng hiện nay thuộc thôn Kim Lũ Thượng, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trải qua thời kỳ lịch sử, tên nôm của làng Kim Lũ Thượng gọi là Lủ Thượng, hay làng Lo. Làng Lo nằm giữa vùng đất lịch sử, hình thành từ lâu đời có đường giao thông thuỷ, bộ thuận lợi, trải qua hàng ngàn năm kiến tạo, mảnh đất này đã nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đã từng là địa bàn chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Theo các cụ cao tuổi trong làng, thì đền Kim Thượng được khởi dựng từ xa xưa. Bản thân nguồn tư liệu thành văn, truyền thuyết dân gian cũng như khối kiến trúc vật chất hiện còn cũng đã minh chứng cho quá trình tồn tại lâu dài của ngôi đền Kim Thượng trong lịch sử.

Cùng với sự phát triển của văn hoá làng xã, cũng giống như nhiều ngôi đền ở nước ta, đền Kim Thượng được xây dựng để tôn thờ các vị Thành hoàng của làng là: Quý Minh, Đống Vĩnh, Đức thánh Tam Giang.

Những truyền thống văn hoá tốt đẹp cũng được vun đắp, tích tụ để lại dấu ấn đậm nét trong những di vật cổ như: Bài ký ghi những người hiền tài trên tấm bia 4 mặt có niên đại Bảo Thái thứ 4 (1723) đời Lê Dụ Tông và hệ thống kiến trúc hiện còn của đền Kim Thượng có nhiều mảng chạm trổ, trang trí..., và đặc biệt so với nhiều ngôi đền khác ở đồng bằng Bắc Bộ là việc kết nghĩa anh em của hai làng Lủ Thượng và Châu Lô ở Bắc Giang. Năm 2006, hai làng kỷ niệm 410 năm kết nghĩa anh em. Đây có lẽ là sự trùng hợp đặc biệt và có giả thuyết ngôi đền được khởi dựng từ thời Lê, hoặc sớm hơn nữa.

Đền Kim Thượng toạ lạc trên đê sông Cà Lồ, kiến trúc của đền là kiến trúc nối liền, lớp trước là Đại bái, lớp sau là toà nhà Tiền tế và Hậu cung được làm hướng nam, trước mặt là sông Cà Lồ và một khoảng đất canh tác nông nghiệp. Cổng chính có hai trụ biểu được xây cao 4,5m, đắp phượng và được tạo tác trái dành, dưới có các ô lồng đèn trang trí tứ quý. Hai cổng phụ trên đắp hai con nghê hướng đầu về nhau.

Toà Đại bái gồm 4 gian, hai dĩ, mặt bằng chia 6 hàng chân cột, mái lợp ngói ta. Trên nóc nhà Đại bái trang trí lưỡng long chầu nhật. Kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng, chủ yếu là bào trơn đóng bén. Trên các con rường được trang trí vân mây, lá lật tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho di tích.

Toà Tiền tế nằm song song với toà Đại bái, mái dạng bốn mái hiên, lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, gian chính giữa toà tiền tế treo bức cửa võng, được trang trí lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh, tứ quý, hổ phù, các vân mây. Hai bên cửa võng trang trí rồng cuốn thuỷ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Toà Hậu cung là 3 gian nhà chạy dọc nối giữa toà Tiền tế mái lợp ngói ta, được xây theo kiểu đầu hồi, bít đốc, nền lát gạch vuông đỏ, cửu bức bàn. Riêng phần Hậu cung có sàn bằng gỗ cao hơn so với nền là 1,1m.

Đền Kim Thượng còn bảo lưu được một khối lượng di vật có giá trị về lịch sử về nghệ thuật như 3 bộ ngai và bài vị thờ 3 vị thần là Quý Minh, Đống Vĩnh, thánh Tam Giang. Ba bộ kiệu bát cống sơn son thếp vàng thời Nguyễn.

Đền Kim Thượng được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2003./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)