Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Kim Châu (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 15:30 15/04/2023

Đình Kim Châu (xã Kim Thư, huyện Thanh Oai) ở bên tả ngạn sông Đáy, giáp với khu dân cư của làng. Đình Kim Châu quay hướng nam, có kết cấu kiến trúc chữ “nhị” dưới tán cây cổ thụ, như cây muỗm hàng trăm năm tuổi, với hệ thống nghi môn trụ biểu, tường bao theo phong cách truyền thống.

Toà Đại bái dài 12,1m, rộng 6,3m chia thành 5 gian, mỗi gian 2,4m, riêng gian giữa rộng hơn 2,5m. Khảo sát dấu tích kiến trúc cho biết toà Đại bái được xây dựng vào thế kỷ XIX, các bộ vì được làm theo kiểu thức “chồng rường” trên 4 hàng chân cột gỗ. Tuy không có những mảng chạm trên các súc gỗ lớn như một số ngôi đình quanh vùng, nhưng các đề tài tứ linh, tứ quý lại được các nghệ nhân dân gian chạm khắc khá chi tiết trên các kẻ, bẩy, con rường, đấu kê. Ở hai đầu hồi đắp nổi hổ phù ngậm chữ “thọ” kèm với hoa lá cách điệu. Bên trong toà Đại bái còn được tô điểm bằng hoành phi, câu đối, hương án và nhiều đồ tế tự khác. Vị trí chính giữa là bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Vi đức kỳ thịnh”, có nghĩa là: Có đức thì sẽ thịnh. Đôi câu đối có nội dung như sau:

Phiên âm chữ Hán:

Kim cổ giang sơn hậu Phật tiền thần trung vượng khí

Địa linh nhân kiệt hình nhân bái tướng trợ linh thanh.

Dịch nghĩa:
Vùng đất này xưa nay hậu thờ Phật, trước thờ thần, thêm khi tốt
Đất thiêng người giỏi, con người thờ tướng, thêm pháp diệu huyền. Tương truyền, tiến sĩ Nguyễn Hiền là người viết hoành phi và câu đối cho đình Kim Châu, Nguyễn Hiền là người có tấm lòng nhân hậu, những năm mất mùa thường đứng ra phát chẩn cho dân, còn ông Nguyễn Liễn là người đứng ra mua gỗ đinh để làm đình, làm chùa.

Trong số các di vật bài trí tại Đại bái, đáng chú ý còn có bát hương bằng đá, được nghệ nhân chạm khắc công phu, tỉ mỉ. Bát hương này có hai tai xoè ra, xung quanh miệng chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt, rồng ngang cùng với hoa văn chữ triện và hoa lá cách điệu.

Toà Hậu cung có lối kiến trúc theo kiểu 2 tầng mái, các bộ vì “chồng rường” trên 4 hàng chân cột gỗ. Công trình dựng vào thời Nguyễn.
Năm Đinh Mão thời Nguyễn ở thế kỷ XIX chỉ có thể là năm 1867 (tức niên hiệu Tự Đức thứ 20), bởi đến năm Đinh Mão cũng vào thời Nguyễn ở thế kỷ XX vào năm 1927. Toà Hậu cung ở gian giữa có khám thờ bằng gỗ, bên trong có ngai, bài vị Thành hoàng còn ghi là Uy Linh đại vương, có tên huý là An Lô. Theo truyền thuyết An Lô là vị tướng giỏi thời Lê, có công đánh giặc phương Bắc, về sau mất tại Kim Châu.

Gian bên tả thờ tiến sĩ Nguyễn Hiền, gian bên hữu thờ Nguyễn Liễn. Cả hai ông có công với dân làng Kim Châu.

Trong số các di vật hiện bảo tồn tại đình, có 15 đạo sắc phong từ thời Lê, niên hiệu Thịnh Đức thứ 3 (1655) đến triều vua cuối cùng là nhà Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại (1925 - 1945).

Hằng năm hội làng mở vào ngày 15 tháng hai âm lịch.

Đình Kim Châu đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)