Kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh Việt Nam – Pháp
Sáng 15/4, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Pháp được tổ chức với chủ đề: “Kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với địa phương; địa phương với địa phương hai nước Việt Nam - Pháp”.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp do UBND thành phố Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) chủ trì tổ chức là sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12, được tổ chức từ ngày 13- 16/4 tại Hà Nội.
Với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, diễn đàn là cơ hội cho các bên trao đổi các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy”; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các đối tác mới của các địa phương Việt Nam và Pháp.
Phát biểu khai mạc sự kiện, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thông tin: Hợp tác giữa các địa phương (còn gọi là hợp tác phi tập trung) Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989. Lũy kế tới nay, Hà Nội đã thu hút khoảng 494,4 triệu USD vốn FDI từ Pháp. Trong đó, năm 2022 thu hút khoảng 7,8 triệu USD vốn FDI và trong 03 tháng đầu năm 2023 thu hút thêm 0,92 triệu USD.
Phát biểu về tình hình hợp tác và cơ hội hợp tác phát triển Pháp – Việt Nam, ông NicolasWarnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết: Sự gần gũi giữa Pháp và Việt Nam bắt nguồn từ một lịch sử chung; nhưng trên hết là mong muốn chung được cùng nhau hợp tác, duy trì và phát triển các liên kết, trao đổi, mối quan hệ sâu sắc trong mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ. Cũng giống như hợp tác Pháp - Việt, chương trình kỷ niệm 50 năm bao gồm nhiều lĩnh vực như văn hóa, di sản, khoa học và đổi mới, y tế, nghệ thuật sống, và tất nhiên là cả kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: Việt Nam và Pháp có mối quan hệ đối tác chiến lược hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Trên cơ sở đó, các quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại được thúc đẩy và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, về đầu tư: Đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư của Pháp tại Việt Nam đạt trên 3,8 tỷ USD, đứng thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đầu tư sang Pháp với tổng số vốn trên 73 triệu USD.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Pháp năm 2022 đạt 5,33 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 3,7 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,63 tỷ USD.
Về hỗ trợ phát triển (ODA), Pháp là một trong những nước cung cấp ODA sớm nhất và dẫn đầu châu Âu về vốn cam kết, với mức vốn trung bình tăng đều qua các năm và đạt con số hơn 100 triệu Euro/năm kể từ 2002.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng khẳng định Việt Nam có những lợi thế lớn là: (1) Chính trị ổn định; (2) Tăng trưởng kinh tế cao; (3) Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; (4)Chi phí sản xuất cạnh tranh; (5) Thị trường tiềm năng; (6) Hội nhập quốc tế sâu rộng; (7) Chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh; (8) Vị trí địa lý chiến lược phù hợp cho sự tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phiên diễn đàn với nhiều nội dung trao đổi quan trọng xoay quanh tình hình hợp tác và cơ hội hợp tác phát triển Pháp – Việt Nam; Giới thiệu về môi trường, chính sách thu hút đầu tư kinh doanh của Việt Nam; Tình hình đầu tư nước ngoài và đầu tư của các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam; Tình hình đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vào Pháp; Giới thiệu về môi trường, chính sách đầu tư kinh doanh của các địa phương Việt Nam và Pháp,...
Bà Anne Louise Mesadieu, thành viên Hiệp hội quốc tế các vùng nói tiếng Pháp AIRF, Ủy viên Hội đồng vùng Ile-de-France cho biết: Đối với các tỉnh của Việt Nam, tham gia hoạt động của AIRF sẽ cho phép: (1) Doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kinh tế nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất và hình thành quan hệ đối tác với các doanh nghiệp khác thuộc không gian Pháp ngữ (Pháp, Ma-rốc, Bờ Biển Ngà,vv…); (2) Doanh nghiệp mở rộng tầm quan hệ ra các nước Pháp ngữ tại châu Phi và châu Âu, tăng cường tiềm năng phát triển thị phần mới của các doanh nghiệp; (3) Phát huy năng lực tiếng Pháp của cán bộ; (4) Tham gia vào các chương trình hợp tác liên khu vực về các chủ điểm như qui hoạch lãnh thổ, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch sinh thái…; (5) Phát huy văn hóa Việt trong không gian văn hóa Pháp ngữ, đặc biệt trong khuôn khổ trao đổi văn hóa với các địa phương thành viên khác.
Kết thúc phiên diễn đàn, Hội nghị chuyển sang phiên kết nối với 3 phiên được tổ chức song song. Tại đây diễn ra hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa chính quyền với chính quyền (G2G), chính quyền với doanh nghiệp (G2B), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Trong đó, UBND thành phố Hà Nội tham gia phiên kết nối với Hiệp hội quốc tế các vùng nói tiếng Pháp AIRF và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp ABVietfrance về phát triển kinh tế của các vùng lãnh thổ nói tiếng Pháp thông qua việc thiết lập, thúc đẩy quan hệ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực giữa chính quyền, doanh nghiệp, đối tác của các địa phương./.