Tăng cường thúc đẩy hợp tác Văn hoá, Di sản và Du lịch Việt Nam - Pháp
Chiều 14/4, phiên Hội thảo chuyên đề Văn hóa, Di sản và Du lịch được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội.
Hội thảo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình và ông Jean Claude Dardelet, Phó Thị trưởng thành phố Toulouse - Cộng hòa Pháp đồng chủ trì. Các tham luận tại Hội thảo xoay quanh lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản (vật thể và phi vật thể), phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương Việt Nam và Pháp.
Nhiều kết quả thiết thực trong hợp tác về Văn hoá, Di sản và Du lịch
Với chính sách tiếp nhận có chọn lọc, hợp tác giao lưu văn hoá với Pháp luôn là một trong những trọng tâm trong các chính sách hợp tác quốc tế về văn hoá của Việt Nam. Các địa phương của Pháp và Việt Nam luôn đóng vai trò chủ động và tích cực trong hợp tác về văn hoá nói chung và di sản nói riêng giữa hai nước.
Một trong những hợp tác nổi bật là Hà Nội với vùng Ile de France năm 1989, năm đặt nền móng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp. Bên cạnh đó là các hoạt động hợp tác hữu nghị, phát triển của Hà Nội với thành phố Toulouse, Hà Nội với vùng Ile de France; tỉnh Lào Cai với vùng Nouvelle Aquitaine hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên, du lịch sinh thái và thể thao mạo hiểm; tỉnh Thừa Thiên Huế với vùng Poitou Charentes hợp tác trong lĩnh vực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, du lịch sinh thái và di sản…
Đây là một số địa phương Việt Nam có sự hợp tác với địa phương Pháp trong lĩnh vực văn hóa và du lịch trong tổng số 30 địa phương các cấp của Pháp và 20 địa phương Việt Nam tham gia vào các quan hệ hợp tác trong cơ chế này.
Phát biểu khai mạc tại phiên Hội thảo chuyên đề: Văn hóa, Di sản và Du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Riêng với lĩnh vực văn hóa, di sản và du lịch, trong giai đoạn 1990 - 2022, phía Pháp đã hỗ trợ tỉnh nhiều dự án trên lĩnh vực bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa đồng thời có tiếng nói mạnh mẽ với UNESCO về các di sản văn hóa Huế, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng tầm thương hiệu văn hóa di sản Huế lan toả trên khắp thế giới và luôn là đối tác chính, giúp đỡ Thừa Thiên Huế tổ chức thành công các kỳ Festival Huế từ năm 2000 đến nay.”
Chia sẻ về hợp tác phi tập trung giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Chính quyền Cộng đồng đô Thị Grand Poitiers - dự án « HARMONIE » (Hòa âm), giai đoạn 2022 - 2023, ông Romain Mignot, Phó Chủ tịch Cộng đồng Đô thị Grand Poitiers cho biết, dự án đem đến những lợi ích cho cả hai phía địa phương như: (1) Tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác phi tập trung giữa hai chính quyền địa phương; (2) Phát triển giao lưu âm nhạc giữa các nghệ sĩ đã thành danh và các học sinh Việt Nam, Pháp; (3) Quảng bá di sản văn hóa của Việt Nam và Pháp nói chung và hai địa phương Thừa Thiên Huế và Grand Poitiers nói riêng; (4) Tăng cường hợp tác giáo dục liên văn hóa; Tăng cường giao lưu văn hóa.
Hà Nội cũng là một trong những thành phố có hợp tác nổi bật nhất với địa phương Pháp. Đồng chí Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ: “Hoạt động hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương Pháp đã có từ hơn 30 năm, bắt đầu là với vùng Ile-de-France, rồi đến Toulouse. Các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực Văn hóa Thủ đô và một số đơn vị quận huyện đã có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả với Đại sứ quán Pháp, Viện Pháp, Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội, Viễn đông Bác cổ và các địa phương Pháp.”
Ngoài Hà Nội và Thừa Thiên Huế, các địa phương khác của Việt Nam như: Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lâm Đồng, Kon Tum,… cũng có những dự án hợp tác hiệu quả với các địa phương của Pháp.
Chia sẻ về hợp tác cấp địa phương phát triển du lịch bền vững với tỉnh Yên Bái, Bà Marie Christine Segui, Phó Chủ tịch Hội đồng Tỉnh Val de Marne cho biết: “Ý tưởng dự án bắt đầu từ việc tỉnh Yên Bái đề xuất hai bên hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Tỉnh Val de Marne đã giao Phòng Du lịch của tỉnh hỗ trợ về chuyên gia và kinh nghiệm. Chúng tôi mong muốn chia sẻ với tỉnh Yên Bái về kinh nghiệm của chúng tôi trong lĩnh vực này.”
Tăng cường hợp tác Văn hoá, Di sản và Du lịch Việt Nam - Pháp
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tình hình kinh tế - xã hội hai nước đan xen thuận lợi, khó khăn, việc hợp tác giao lưu văn hoá, di sản, du lịch Việt Nam và Pháp luôn có một vị thế đặc biệt trong tổng thể mối quan hệ giữa hai nước, được Chính phủ và nhân dân hai nước không ngừng quan tâm, vun đắp.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Ths. Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Với kết quả hợp tác tốt đẹp về văn hóa và du lịch với Pháp trong thời gian qua, Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Pháp trên cơ sở những đề xuất cụ thể nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác văn hoá - du lịch giữa hai nước.”
Cụ thể, bà Trần Hải Vân bày tỏ mong muốn: Thứ nhất, hai bên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hai biểu tượng cầu nối văn hoá của hai nước là Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp và Viện Pháp tại Việt Nam hoạt động hiệu quả.
Thứ hai, trong năm 2023, hai bên tăng cường phối hợp và hỗ trợ tổ chức các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, tiếp tục tạo dấu ấn trong lịch sử mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Thứ ba, phía Pháp tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh, vùng của Pháp với các địa phương của Việt Nam.
Thứ tư, bên cạnh lĩnh vực di sản văn hoá, hai bên tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật; hợp tác về điện ảnh, các ngành công nghiệp văn hoá, sáng tạo.
Thứ năm, trong lĩnh vực du lịch, đề nghị phía Pháp thông tin và hỗ trợ du lịch Việt Nam tham gia các sự kiện du lịch do Pháp tổ chức; phối hợp mời các hãng lữ hành lớn, phóng viên báo chí của Pháp sang tìm hiểu và viết bài đưa tin về Du lịch Việt Nam.
Việc tăng cường hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cũng như phát triển du lịch là thực sự cần thiết- bà Trần Hải Vân, nhấn mạnh./.