Đình Hữu Cước (huyện Đan Phượng)
Đây là một công trình kiến trúc đã được cổ nhân phục dựng từ lâu đời và là trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương. Từ trung tâm thành phố Hà Nội theo Quốc lộ 32 đến thị trấn Phùng rẽ phải men theo đường đê sông Hồng khoảng 4km là đến di tích.
Đình Hữu Cước là nơi phụng thờ thần Cao Sơn đại vương do Hộ phiên phường Kim Liên phụng sao ngày 17 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746), ngày 22 tháng 5 năm Tự Đức thứ 31 (1878) bản xã Hữu Cước phụng sao lại thì thân thế và sự nghiệp của Thành hoàng Cao Sơn đại vương có thể tóm tắt như sau: Ngày 16 tháng 3, tại đất Bảo Sơn, quận Quảng Nam, nước Đại Minh có ông bà họ Cao sinh ra một người con trai tên là Hiển, tự là Cửu Trường. Khi sinh ra, tướng mạo khôi ngô, dĩnh ngộ, thông minh, chí khí khác người. Lúc còn nhỏ đã am tường kinh sách, thi thư, đặc biệt thông luận ngũ kinh. Năm 27 tuổi, ngài dự kỳ thi Hương và trúng cách. Năm Khánh Lịch thứ 6 triều Minh, ngài dự thi Đình và hai lần đỗ tiến sĩ. Vốn có tài cao nên Ngài được phong giữ chức Thừa tướng và cử đi dẹp loạn.
Sau khi toàn thắng trở về, vua Minh lại gia phong làm Đại thừa tướng giữ quyền Nguyên soái. Do có công như vậy nên năm 78 tuổi, vua cho ngài về dưỡng già. Cao Sơn đại vương liền đi du ngoạn và có đi qua vùng đất Hữu Cước này. Thấy đây là vùng đất non nước hữu tình, việc nông tang trù phú, nên ngài đã dừng chân tại nơi đây và dạy nhân dân cấy cày, sau đó tiếp tục du ngoạn những nơi sơn kỳ thuỷ tú.
Tương truyền, ngài thọ đến 103 tuổi. Sau khi ngài hoá, vua nhớ tới công lao nên phong là Cao Sơn Quốc chúa đại vương và ban tên thụy là Trung Trinh, sau đó sắc cho các nơi mà ngài đã đi qua lập đền để phụng thờ.
Đình toạ lạc ở rìa làng, phía trước là đê sông Hồng, kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, bao gồm Đại bái, Hậu cung. Đại bái có 3 gian hai chái, nối liền từ hai đầu hồi về phía trước là hai trụ biểu với tiết diện vuông. Phía trên đỉnh trụ để trơn, tiếp dưới là ô lồng đèn, thân trụ và đế trụ thắt cổ bồng. Trên mái toà Đại bái về hai phía có đắp đấu đỉnh, bờ giải đắp bờ định. Vào bên trong, tương ứng với các gian là 4 bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “kèo kẻ quá giang”. Hậu cung được làm theo kiểu chuôi vồ. Phía tiếp giáp với Đại bái, ở mặt chính giữa cửa bức bàn và hai bên là hai cửa nách. Phần trên hai cửa nách là tấm ván bưng được chạm trổ hình phượng cách điệu hoa, lá đã đạt đến độ tinh xảo, nét chạm khắc nông nhưng uyển chuyển mềm mại. Phía trên là xà nách cùng các con rường được chạm hình chữ “thọ” và các vân mây, một đầu xà ăn mộng vào thân cột cái, làm điểm tựa cho các con rường và hoành trung tạo thế vững chãi cho toà Hậu cung. Bộ vì thượng được kết cấu theo kiểu “chồng rường” với phần bưng dưới câu đầu là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới câu đầu là 2 quai soi đùi lá mang vắt. Hình tượng lá ở đây được thể hiện uyển chuyển, vòng từ thân của quai soi, chuyển tiếp lên phần phía ngoài của câu đầu rồi vắt trở lại. Các con rường được đặt chồng khít lên nhau qua các đấu kê hình hoa sen. Phía trên cùng tiếp giáp với thượng lương là hoạ tiết hình hổ phù, diễn tích khuấy biển sửa của Bà La môn giáo.
Chính giữa Hậu cung đặt các đồ tế tự như sập thờ, long ngai, bài vị, sắc phong thờ Thành hoàng làng và các đồ tế tự khác. Lễ hội của làng được tổ chức từ ngày 14 tháng ba đến ngày 17 tháng ba âm lịch. Ngày 16 tháng ba là ngày chính hội, đây chính là ngày sinh của đức Thành hoàng. Hội được mở 5 năm một lần.
Đình Hữu Cước đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01