Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 15:10 13/04/2023

Địa danh Đa Sỹ, thuở ban đầu có tên là làng Hoa... Sau này là Huyền Khê, sau lại đổi thành Đan Khê. Đan Sỹ gắn liền với công lao và sự nghiệp của Lương y dược Linh thông cư sĩ Hoàng Đôn Hoà (thế kỷ XVI). Địa danh này vẫn còn lưu trong sắc phong, chuông, bia đá... hiện vẫn lưu giữ tại làng Đa Sỹ và chùa Lâm Dương Quán. Từ giữa thế kỷ XVIII, để ghi nhận quê hương của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú (1485 - 1562) cùng 11 vị tiến sĩ đỗ đạt sau này, làng Đan Sỹ đổi tên thành làng Đa Sỹ.

Theo cuốn “Đa Sỹ Hoàng tôn gia phở” hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm; cuốn “Hoàng tôn gia phả thực lục”; sách “Lịch triều hiến chương loại chỉ” phần Văn tịch chí và Nhân vật chí của Phan Huy Chú; sách “Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên... Như vậy, sử liệu và gia phả ghi chép nhiều và khá chi tiết về Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh như sau:

Ông vốn sinh ra ở làng Huyền Khê, xã Trung Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, nay là khu Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ông sinh năm Tân Mão (1411) và mất năm Quý Mùi (1463), hưởng thọ 52 tuổi. Thân phụ người họ Hoàng ở Lương Xá, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, nay là xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Do binh biến, thân phụ Hoàng Trình Thanh đã rời về Huyền Khê. Hoàng Trình Thanh có một thời gian mang họ Trần, năm Ất Mão (1435) đổi sang họ Trình và từ năm 1447 dưới triều Lê ông lại trở về họ Hoàng. Cũng vì thế mà chính sử thường chép là Trần Thanh, Trình Thanh, Hoàng Trình Thanh với tên tự là Trực Khanh, hiệu Trúc Khê.

Năm Đinh Mùi (1427), Hoàng Trình Thanh tìm đến cuộc Chiêu yết tại dinh Bồ Đề. Tại đây, ông dâng thơ văn và được Lê Lợi tin dùng bổ làm Bản phủ học sinh. Năm 19 tuổi (niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 - 1429), ông dự thi và đỗ thứ ba khoa Hoành từ. Năm 21 tuổi (niên hiệu Thuận Thiên thứ 4 - 1431), ông lại dự thi và trúng tuyển khoa Chân Nho chính trực. Sau đó, Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh được vua Lê Thái Tổ chọn tháp tùng đi dẹp giặc cỏ là bọn Hà Tùng Lai vào tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 6 (1433).

Tháng giêng năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), ông được thăng Ngự tiền học sinh cục trưởng, đến năm Thiệu Bình thứ tư (1437) ông được thăng Chánh trưởng Nội mật viện và lần thứ hai tháp tùng vua Lê Thái Tông đi dẹp giặc Nghiễm vào ngày 15 mùa hạ năm Đại Bảo thứ nhất (1440).

Đến triều vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Thái Hoà thứ nhất (1443), Hoàng Trình Thanh được cử đi sứ nhà Minh để tạ ơn việc ban sắc phong của nhà vua và khi về ông được thăng Trung nghị đại phu Hàn lâm viện thị độc, Tri ngự tiền học sinh cục trưởng. Sau ba năm mãn tang cha, vào tháng 1 năm Thái Hoà thứ mười (1452), ông được thăng Trung đại phu Thượng thư sảnh, Hữu ty Lang trung tham tri Hải Tây đạo, Quân dân bạ tịch Kỵ đô uý. Năm Diên Ninh thứ nhất (1454), ông được cử đi công cán ở Nam thiên Bố Chánh châu.

Trải đến triều vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận thứ nhất (1460), Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh lại được cử đi sứ sang nhà Minh xin bỏ lệ mò ngọc trai để cống vào năm Nhâm Ngọ (1462). Vua Lê Thánh Tông muốn đổi mới đường lối trị vì đất nước, đã xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh đã dâng 7 chính sách lớn, đã được nhà vua chấp nhận (sau này, ta thấy những chính sách đó đã được thể hiện trong bộ luật Hồng Đức).

Trải suốt bốn triều vua, làm quan liên tục suốt 36 năm, ở cương vị là một vị quan cao cấp, triều vua nào Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh cũng giữ một khí tiết trong sạch, thẳng thắn và thuần hậu. Cả triều thần, đồng liêu ai cũng kính trọng, suy tôn Hoàng Trình Thanh là bậc “Nho lâm kỳ thụ - là cây đại thụ trong rừng Nho”, là “Nho thần sự nghiệp độc công cao”.

Ngày 3 tháng 3 năm Quang Thuận thứ 3 (1463) triều Lê Thánh Tông, Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh tạ thế, hưởng thọ 52 tuổi. Vua Lê Thánh Tông truy tặng ông tước Tham chính Thái bảo Triều liệt Đại phu. Sau khi ông mất, nhân dân làng Tư Vy, tên nôm là làng Ve, tổng Chi Nê, huyện Tiên Du (nay là làng Ve, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thờ làm Thành hoàng làng. Cháu đích tôn là Tiến sĩ Hoàng Khắc Minh, chắt đích tôn là Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú và chút đích tôn là Tiến sĩ Hoàng Tế Mỹ cũng được nhân dân các làng của xã Đồng Mai, quận Hà Đông thờ làm Thành hoàng.

Nhà thờ toạ lạc trên một thế đất đẹp giữa làng và có kết cấu kiến trúc chữ “nhị”, quay về hướng tây ghé nam một vài độ. Trên bài châm treo ở toà Tiền tế còn ghi: Hoàng Duy Tân đệ niên chi thất, Hoàng thị Chính Quý Phủ tam chi hợp kiến tổ từ, Vu bải ấp chi trung thôn dĩ phụng tiên tổ yên, Cái quốc hữu miếu gia hữu từ cổ chế dã. Nghĩa là: Triều vua Duy Tân năm thứ 7, ba chi Chính, Quý, Phú họ Hoàng cùng dựng nhà thờ. Chọn nơi giữa làng để phụng sự tiên tổ. Nước có miếu, nhà có từ đường, ấy là cổ chế vậy. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định chính xác nhà thờ được hưng công xây dựng vào triều vua Duy Tân thứ 7 (1913). Những năm 50 thế kỷ XX, thực dân Pháp chiếm đóng ở đây và chúng đã phá huỷ nhà thờ gần như hoàn toàn. Sau này đất nước thống nhất, người ta đã làm nhà cao hơn và sát với nhà thờ. Vào những năm 80 thế kỷ XX, dòng họ đã phục dựng toà Tiền tế trên nền móng cũ và tôn tạo toà Hậu cung theo phong cách truyền thống, khẳng định được vai trò hết sức to lớn của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh - một Chân nho chính trực, hết lòng vì dân vì nước, người tạo tiền đề cho con cháu hiển đạt sau này.

Nhà thờ Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá, dạng lưu niệm danh nhân, năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)