Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Hạ Hoà (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 09:00 13/04/2023

Đình được gọi theo tên làng, nay thuộc thôn Hạ Hoà, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Từ Hà Đông đi theo Quốc lộ số 6 qua Ba La tới cuối thôn Do Lộ (phường Yên Nghĩa) rẽ phải theo đê sông Đáy, qua làng Đông Lao, qua Tình Lam hỏi đường vào Tân Phú. Cũng có thể từ Hà Đông theo đường đi Quốc Oai, qua sông Đáy, rẽ trái qua đình So, theo đê về Tân Phú vào đình Hạ Hoà.

Hạ Hoà vốn là mảnh đất có truyền thống văn hoá, nằm ven con sông giao thông cổ (sông Đáy). Sự ưu đãi của thiên nhiên khiến nơi đây để lại nhiều dấu tích văn hoá xưa ở cả dưới và trên mặt đất. Tất nhiên, có cả đình chùa cổ khang trang. Nhưng, trải qua nhiều biến động của lịch sử, bị tàn phá nên tới nay chúng ta khó tìm được kiến trúc nào đầy đủ từ thế kỷ XVII trở về trước. Vì thế, đình Hạ Hoà tuy cảnh quan vẫn là niềm tự hào của dân làng, song có thể tạm đặt giá trị của nó ở mức khiêm nhường. Mở đầu cho kiến trúc này là một hệ thống Nghi môn trụ đặt cân xứng hai bên cửa chính. Nối cột cái và cột nhỏ của Nghi môn là bức tường lửng. Đỉnh hai cột lớn (giữa) đều đắp bốn phượng có đuôi theo kiểu hình lá cùng chụm vào giữa rồi cùng chạy lên trên (thế gọi là phượng kiểu lá lật). Phượng ép ngực xuống rồi ngóc đầu lên ở bốn góc. Phượng là hình tượng của tầng trên, của Thánh nhân, thay mặt cho sinh lực của đấng tạo hoá, vì thế phượng ở đầu cột là ước vọng cầu sinh sôi no đủ của dân làng xưa. Cũng như các trụ của đình khác, dưới phượng là phần mui luyện đắp bốn hổ phù, như cầu được mùa và phần lồng đèn là đỉnh long, ly, quy, phượng tượng trưng cho mọi điều tốt lành.

Qua Nghi môn là sân rộng lát gạch hai bên có Tả Hữu vu (nay còn một) được làm muộn kết cấu theo kiểu vì kèo quá giang bào trơn đóng bén, tường hồi bít đốc đơn giản. Đại đình dựng trên nền cao 30cm được coi là toà Tiền tế gồm 5 gian tường hồi bít đốc, tường hồi được chạy thêm ra phía trước. Trên tường tay ngai bên tả (trái) đắp thanh long (rồng xanh), hữu (phải) đắp bạch hổ (hổ trắng) để khẳng định thế của đình quay hướng nam để mang nghĩa “Thánh nhân nam diện nhi thích thiên hạ” (Thánh nhân ngồi quay hướng Nam để nghe lời tâu của chúng sinh mà ban ân huệ), đó là hướng của vua, nhằm đề cao thần.

Đình có 6 bộ vì lớn, theo lối cổ, với bốn hàng chân cột, phía trước đóng cửa bức bàn, phía sau xây tường. Chạm khắc trên đình không nhiều và tập trung vào các đề tài rồng, hổ phù, phượng vân hoá, một vài hoạ tiết thực vật cách điệu... Đường nét chạm khoẻ chắc gợi cảm. Song, không hề có bóng dáng con người hay sự đùa nghịch của các thú nhỏ. Nghệ thuật trở về với nét quy phạm.

Cung cấm là toà nhà kiểu chữ “đinh” 3 gian tường hồi bít đốc, nối với Đại đình bằng ba ô cửa nhỏ. Kết cấu và trang trí ở toà nhà này đơn giản bằng bộ vì kèo cầu quá giang. Hậu cung bệ xây để đặt khám thờ bằng gỗ khá lớn trong đó có long ngai bài vị, kèm đó có hương án, long đình kiểu mui luyện, tất cả đều được trạm trổ khá kỹ hình rồng, hổ phù và các linh vật, hoa lá cách điệu.

Vị thần của đình là Linh Lang, tích nói là con vua Lý có công đánh giặc, song thực chất đó là một thiên thần - hình tượng nhân cách của rắn thần (chủ nguồn nước cày cấy) được lịch sử hoá...

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)