Âm nhạc

Hành trình của nhạc Jazz ở Việt Nam

Yến Ly 17:41 12/04/2023

Nhạc jazz thế giới được cho là ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 tại Mỹ. Jazz ở Việt Nam xuất hiện lần đầu tiên từ khi nào thì còn cần nghiên cứu nhiều hơn nhưng để thực sự được “khai sinh” thì chỉ mới hơn ba mươi năm nay...

quyen-van-minh-img20221126081543-9read-only-16694748096031776965696-crop-1669476984237504976718.jpg

Jazz - Âm nhạc của sự tự do và sáng tạo đa màu sắc

Ra đời trong những năm 1860 từ người nô lệ Mỹ gốc Phi sau Tuyên ngôn giải phóng nô lệ của Abraham Lincoln, nhạc jazz ban đầu là sự kết hợp đa màu sắc của các yếu tố: Tiết tấu âm nhạc châu Phi; các bài ca nô lệ gốc Phi hát khi lao động trên đất Mỹ; âm nhạc đặc trưng của vùng New Orleans (Louisiana, Mỹ) trong các cuộc diễu binh, hành quân và tang lễ cùng một số yếu tố âm nhạc châu Âu. Đây là dòng nhạc dựa trên sự ứng biến tài tình của người nghệ sĩ và sự cấp bách nhưng vẫn nhịp nhàng trong giai điệu nên jazz có đặc trưng là “sự ứng tác ngẫu nhiên của các nghệ sĩ”. Vì thế, ở jazz luôn đem đến sự mới mẻ, tự do trong âm nhạc. Theo nhạc sĩ Jelly Roll Morton, nhạc jazz thuộc về một phong cách thể hiện chứ không thuộc về sáng tác. Còn Travis Jackson trong đánh giá cuốn sách “The Cambridge Companion to Jazz” thì định nghĩa: Jazz là loại âm nhạc gồm những tính chất như swing, ứng tác, tác động cộng hưởng trong nhóm, phát triển một “tiếng nói cá nhân” và mở rộng cho những khả năng âm nhạc khác.

Các nhạc cụ chơi trong nhạc jazz thường là những nhạc cụ của châu Âu nhưng lại diễn tấu theo phong cách Mỹ, có thể kể đến như: Kèn trumpet, cornet, trombone, saxophone, clarinette; Bộ trống và các nhạc cụ gõ; Piano, banjo, guitar, contrebass... Với lịch sử hình thành đầy màu sắc và phát triển trong hơn 100 năm qua, jazz ngày nay được xem là âm nhạc đa sắc tộc, đa cảm xúc.

“Bố già của jazz Việt” và hành trình jazz Việt

Nhiều tài liệu cho rằng, nhạc jazz xuất hiện tại Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1950. Nhưng phải tới năm 1955, cùng với rock ‘n’ roll và các dòng nhạc đại chúng phương Tây, jazz mới tràn ngập miền Nam. Dù vậy nhưng do bối cảnh lịch sử, jazz ở Việt Nam vẫn chưa có gì nổi bật trong giai đoạn này. Có thể nói, NSƯT Quyền Văn Minh chính là người khai sinh ra jazz Việt. Nhắc tới ông, người yêu nhạc không chỉ nhớ đến một nghệ sĩ saxophone jazz, giảng viên đầu tiên của bộ môn saxophone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia danh tiếng, một trong những nhạc sĩ jazz ưu tú nhất Việt Nam mà còn gọi ông là “bố già của jazz Việt”.

image.png

Sinh năm 1954 trong gia đình có truyền thống âm nhạc (mẹ là ca sĩ, cha là nhạc công), NSƯT Quyền Văn Minh đã có hơn 50 năm chơi nhạc và mở jazz club được 26 năm. Thời niên thiếu, ông bắt đầu với guitar, sau đó tự học kèn clarinet và saxophone. Từ năm 14 tuổi, cậu bé ham học ấy cũng từng đạp xe đến trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) để nghe lỏm, học lỏm. Nhưng âm nhạc không giống các môn học khác, do âm thanh hỗn độn của đường sá, người qua lại nên các buổi học lỏm ấy không đạt hiệu quả như mong muốn. Thế rồi, Quyền Văn Minh tìm đến radio mong muốn tìm được loại hình âm nhạc mà bản thân có thể vừa được chơi, vừa được học. Từ những lần dò sóng radio để tìm các kênh phát nhạc trên thế giới, cậu bé Minh tình cờ biết tới jazz. Do không có điều kiện đi học trong trường nhạc nên cậu bé Quyền Văn Minh đã tự học nhạc qua radio, qua đài phát thanh ở vườn hoa và các nơi công cộng như thế suốt nhiều năm.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1988, nhạc jazz lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, đó là tại buổi biểu diễn của nghệ sĩ Quyền Văn Minh, với tư cách là cán bộ ở Đoàn Ca múa Thăng Long. Lúc ấy, “không có mấy người dám chơi cùng, thậm chí nhiều người nghĩ tôi điên. Tôi phải nhờ anh trai Quyền Văn Chương chơi guitar đánh bass, em trai Quyền Anh Tuấn chơi guitar, em Huy con của chú Hiếu “khỉ” (nghệ sĩ ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) chơi trống, nhờ Đặng Hữu Phúc đánh piano” - nghệ sĩ Quyền Văn Minh nhớ lại. Các nghệ sĩ trong dàn nhạc năm ấy, ngoài Quyền Văn Minh, gần như tất cả chưa ai biết tới nhạc jazz là gì và họ chỉ biết làm theo hướng dẫn của ông.

Năm 1989, lần thứ hai jazz được ra mắt công chúng, vẫn là trong chương trình độc tấu giới thiệu jazz của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Đây cũng là năm đánh dấu một cột mốc đáng nhớ với jazz khi kèn saxophone chính thức được giảng dạy như một môn học trong nhạc viện (Học viện Âm nhạc Quốc gia) và nghệ sĩ Quyền Văn Minh là một trong những giảng viên đầu tiên dạy jazz ở đây. Tới năm 1991, Khoa Accordéon, Guitar và Organ được thành lập ở nhạc viện, Jazz trở thành một chuyên ngành có thể lấy bằng trung cấp nghề. Cũng khoảng những năm 1996 - 2000, Jazz được đào tạo trong trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Năm 2007, Jazz trở thành chuyên ngành cấp bằng cử nhân và cho đến năm 2013, Khoa nhạc Jazz được thành lập ở nhạc viện.

Tính đến nay, CLB jazz của NSƯT Quyền Văn Minh là nơi duy nhất tại Hà Nội chơi jazz mỗi tối. Suốt thời gian đầu khá dài, nghệ sĩ Quyền Văn Minh luôn ngóng đợi khách là người Việt tới CLB jazz của ông. Dù đã gặp nhiều sóng gió nhưng CLB vẫn bền bỉ hơn 20 năm qua với nỗ lực đưa nhạc jazz đến gần hơn với khán giả. Với mong muốn góp tiếng nói của người Việt Nam chơi jazz với thế giới, ông đã giới thiệu ở Singapore album đầu tay Birth ’99, gồm 8 tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam do ông sáng tác, chơi với phong cách jazz. Và sau đó là album Đồng cảm, rồi lần lượt là các buổi hòa nhạc Cha, Con và Jazz I; Quyền Văn Minh và Bạn bè với Jazz; Cha, Con và Jazz II. Cũng trong hành trình xây dựng và phát triển jazz Việt, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã có những buổi biểu diễn lớn ở Singapore, Hong Kong, và các Liên hoan Jazz châu Âu tại Việt Nam, LH Jazz tại Nhật Bản, Đài Loan.

Theo TS Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ nhiệm Khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì: Cùng với NSƯT Quyền Văn Minh, PGS-TS Lưu Quang Minh và ThS Hoàng Tùng là ba người đặt nền móng cho khoa Jazz của nhạc viện.

Người Việt chưa có một nền tảng để nghe nhạc jazz cũng như không có truyền thống nghe dòng nhạc này nên con đường phát triển jazz Việt chắc chắn còn nhiều gian nan và cần nhiều nỗ lực, kiên trì. Nhưng chúng ta có thể tin tưởng và hi vọng, khi nhìn vào những nghệ sĩ nổi bật trong hành trình jazz Việt thuộc thế hệ sau với nhiều thử nghiệm có thể kể đến như: nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ piano Tuấn Nam, Lê Duy Mạnh, Quyền Thiện Đắc, Tùng Dương, Hà Trần, Thanh Lam...

Yến Ly