Check in Hà Nội

Đông Hà môn - Ô Quan Chưởng

Sơn Dương (t/h) 08:00 10/04/2023

Đông Hà môn (cửa Đông Hà) - thường được gọi là Ô Quan Chưởng nằm ở cuối phố Ô Quan Chưởng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quan Chưởng nối liền với đầu phố Hàng Chiếu, thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thời Lê, khu vực Ô Quan Chưởng thuộc thôn Thanh Hà, phường Đông Hà - một trong 36 phố phường ở phía đông kinh thành Thăng Long. Địa danh này được nhắc tới trong sách Cương mục với sự kiện hàng năm vào thời Lê - Mạc (thế kỷ XVI) và Lê - Trịnh (thế kỷ XVII - XVIII), triều đình đều cử hành lễ “Tiến xuân ngưu” vào dịp tiết lập xuân tại phường Đông Hà, do Bộ Công đứng ra tổ chức, có đầy đủ văn võ bá quan. Sách Lịch triều hiến chương loại chí cũng ghi chép rõ về tục lệ này.

Đông Hà là một phường giáp với sông Hồng được che chắn bằng một con đê ngăn nước lũ. Theo Doãn Kế Thiện viết trong cuốn Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội thì ô Đông Hà được xây dựng cùng thời gian đắp lại con đê cũ này thành toà thành đất bao bọc kinh thành Thăng Long, và là một trong 5 cửa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) gồm cửa ô Phúc Lâm, cửa ô Nhân Hoà, cửa ô Cầu Dền, cửa ô Cầu Dừa, và cửa ô Đông Hà. Cho đến nay, duy nhất còn lại cửa Đông Hà. Công trình kiến trúc ngày nay là kết quả của lần xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Tới năm 1817, tiếp tục mở rộng đường sá và sửa chữa ô Đông Hà, nên đình Thanh Hà ở cạnh cửa Đông Hà phải di dời vào phía trong, nơi bây giờ là số 10 Ngõ Gạch. Hiện trong đình Thanh Hà còn một tấm bia đá do Bùi Tú Lĩnh soạn năm 1855 nói rõ về sự kiện này.

Như vậy Đông Hà môn là tên gọi chính xác nhất của ô này. Tuy nhiên, nhân dân vẫn quen gọi là Ô Quan Chưởng vì có truyền thuyết rằng: Thứ nhất, vào cuối thời Lê có ông quan Chưởng Ấn về hưu, lập tư dinh ở cạnh cửa ô này, do đó mà thành tên. Thứ hai, vào thời Nguyễn có một chức quan Chưởng cơ kiểm soát cửa ô, phàm thuyền là ghé vào đều phải qua trình báo viên quan ấy, nên gọi tên như vậy. Thứ ba, vào năm 1873, giặc Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất với viên quan Chưởng vệ cùng toàn thể binh lính dưới quyền ông đã chiến đấu, hy sinh anh dũng tại cửa ô này, nên nhân dân gọi là Ô Quan Chưởng. Dù sao, tên “Ô Quan Chưởng” đã đi vào tiềm thức của nhân dân, và được thừa nhận bằng cách đặt tên phố, đoạn trước cổng cho tới phố Trần Nhật Duật bây giờ.

Cửa Đông Hà là kiến trúc dựng cổng theo kiểu “Vọng lâu”, một kiểu cấu trúc đặc trưng thời Nguyễn như ta thường thấy: kiến trúc gồm 2 tầng, tầng dưới có 3 cửa, tầng trên có Vọng lâu 4 mái, thu nhỏ hơn tầng dưới, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng và tứ giác hay hoa thị.

Vì “Vọng lâu” thu nhỏ vào vị trí trên cửa giữa, nên ở tầng hai có đường đi chạy xung quanh. Lối đi lên xuống được tạo thành bởi các bậc xây ở hai bên phía ngoài cổng phụ.

Cửa chính nối thông hai phố Ô Quan Chưởng và Hàng Chiếu có chiều cao 3m, rộng gần 3m, được làm theo kiểu vòm cuốn. Hai cửa phụ cùng dạng, tạo lối đi trên vỉa hè, rộng 1,65m, cao 2,5m. Toàn bộ cổng có chiều rộng hơn 20m, dày 7m, được xây bằng gạch vồ, đá, kích thước khá lớn (phổ biến là gạch 10cm x 15cm x 45cm) tương tự như loại xây tường ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mặt trước, phía đông trên cửa, thẳng dưới Vọng lâu, được xây trát một khung hình chữ nhật có đắp nổi ba chữ Hán bằng mảnh sứ màu xanh: “Đông Hà môn”, cái tên từ xưa của cửa ô này. Mặt sau quay ra phố Hàng Chiếu, có tấm biển đá cỡ 0,8m x 1m được gắn trên tường, đây là tấm bia “Thân cấm khư tệ” (Lệnh cấm trừ tệ) được lập vào ngày 12/4/1881 (Tự Đức thứ 34) trong đó ghi lệnh sức của Tổng đốc Hà Ninh (là Hoàng Diệu) và Tuần phủ Hà Nội (là Hoàng Văn Xứng) cấm lý dịch các thôn, phường gây khó dễ, sách nhiễu dân chúng khi họ có việc nhà, khi đi lại buôn bán, làm ăn trên sông, ở chợ... Nếu sự việc được phát giác, sẽ bị trừng trị nặng... Có lẽ, đây là hiện vật duy nhất thuộc loại hình này mà hiện nay chúng ta có tại di tích này.

“Đông Hà môn” là tên gọi của một cửa vòng ngoài của kinh thành Thăng Long thời kỳ “36 phố phường”, lại là cửa ra bến sông Hồng, nên suốt trong mấy thế kỷ thời phong kiến, chắc chắn chiếm một vị trí quan trọng đối với việc giao lưu buôn bán và phòng chống quân xâm lược.

Sách Đại Nam thống nhất chỉ có ghi rằng: phố Đông Hà bán chiếu trơn còn có tên nữa là Hàng Bát. Tất cả hững hàng hoá đó được nhập qua cửa ô này bằng đường sông, từ nhiều nơi trong nước, và tất nhiên không phải chỉ có chiếu và bát. Nội dung tấm bia “Lệnh cấm trừ tệ” cũng phần nào phản ánh sự qua lại tấp nập của nơi cửa ô Đông Hà này.

Nằm trong khu vực “khu phố cổ” của Hà Nội ngày nay, Đông Hà môn - Ô Quan Chưởng (cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long), một di tích đã được xếp hạng, một chứng tích của lịch sử, vẫn hàng ngày chứng kiến sự đông vui, tấp nập, sự phát triển nhanh chóng của Thủ đô, đất nước. Ô Quan Chưởng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1994./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)