Check in Hà Nội

Miếu Đồng Cổ, chùa Thanh Lâm (huyện Từ Liêm)

Sơn Dương (t/h) 15:00 09/04/2023

Miếu Đồng Cổ (miếu Nguyên Xá), chùa Thanh Lâm thuộc thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Miếu Đồng Cổ

Tương truyền miếu thờ thần Đồng Cổ có từ đầu Công nguyên.

Theo truyền thuyết thì vào thời Lý, một hôm vua đi kinh lý lên Ngã tư Canh, đang đi voi bị cắm ngà xuống đất. Vua bèn sai các quan vào miếu lễ thấy thiêng nên biết đó là miếu thờ thần Đồng Cổ. Từ đó hàng năm sau khi tế lễ tại đền Đồng Cổ ở Bưởi, vua về đây lễ.

Theo tư liệu còn lại ở trong miếu thì vị thần Đồng Cổ ở miếu này được 62 đạo sắc phong từ đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn. Nay chỉ còn ghi trong Ngọc phả, hiện vật còn 8 đạo sắc, trong đó xưa nhất là của vua Cảnh Thịnh năm Bảo Hưng thứ nhất (1801). Thời Nguyễn có 7 đạo: Gia Long thứ 9 (1810), Minh Mệnh thứ 2 (1821), Thiệu Trị thứ 6 (1845), Tự Đức thứ 3 (1851), Thành Thái thứ 15 (1904), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909).

Miếu Đồng Cổ Nguyên Xá nằm trên một khu đất cao có nhiều cây muỗm cổ thụ, phía trước có hồ bán nguyệt qua sân rộng lên nhà Tiền tế 5 gian lợp ngói mũi hài, bên trong nhiều mảng hoa văn đẹp mang phong cách kiến trúc đời Lê. Hai bên cạnh hai nhà dải vũ song song, qua sân nhỏ đến Hậu cung là phương đình vuông hai tầng tám mái, các đầu mái có đạo uốn cong đắp nổi hình rồng. Bên trong còn lưu giữ được nhiều di vật quý của Việt Nam và Trung Quốc như một số bát sứ chân cao hiệu Thanh Hoà (thế kỷ XV), bốn đổi lọ độc bình đời Khang Hy (thế kỷ XVIII), các đồ xứ men trang trí thế kỷ XVIII và XIX ở Huế.

Toàn bộ khu vực tạo nên cảnh quan đẹp, bên cạnh là cổng làng Diễn Nguyên Xá có ba chữ Hán lớn “Nguyên giả trưởng” (nghĩa là lấy điều thiện là lớn nhất). Có đôi câu đối (bản dịch):

Thắng địa có nước chảy quanh, có hoa nở bốn mùa Trước cổng làng là đường thiên lý xe ngựa qua lại tấp nập.

Chùa Thanh Lâm (chùa Nguyên Xá)

Chùa có tên chữ là Thanh Lâm tự.

Chùa Thanh Lâm ở phía phải làng, trên một khu đất rộng cao có luỹ tre xanh bao bọc. Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ lâu đời. Thời Lê - Trịnh bị cướp phá, đến đời Tây Sơn được tu tạo, đúc chuông, tạc tượng, sửa sang thờ cúng.

Chùa xây theo kiểu chữ “đinh”, nền cao 0m40, Tiền đường 5 gian, Thượng điện 3 gian. Kiến trúc theo kiểu vì kèo, cốn, và ván có chạm hình nổi hổ phù, rồng, hoa lá kiểu kiến trúc Lê Trung hưng, hướng đông theo như ngôi miếu.

Trong chùa có 35 pho tượng, trong đó có 6 pho tượng thời Lê, còn lại 29 pho tạc đời Nguyễn, 13 tấm bia đá hậu Phật. Đáng chú ý chùa có quả chuông đồng lớn “Thanh Lâm tự chung” đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) do Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1787) Trần Bá Lãm viết văn chuông, có đoạn viết: “Cạnh ấp tôi có thôn Nguyên Xá... vào mùa xuân năm Kỷ Mùi (1799) đúc xong chùa Thanh Lâm (nhờ viết bài văn). Tôi nghĩ rằng: Từ nhỏ vốn theo đạo Nho, đối với đạo Phật chưa hiểu biết. Đến tuổi trung niên gặp thời loạn lạc, thấy đồ đồng nhà Phật đều đem dùng vào việc quân quốc. Hồi đó quan binh đến chùa, ai cất giấu đồ đồng đều bị đánh đập, tra khảo, bị vơ vét hết năm này đến năm khác... thế mà chẳng bao lâu người ta đã đóng góp tiền của để đúc lại chuông đồng, tượng đồng các chùa đều phục hồi như cũ...”.

Miếu Đồng Cổ và chùa Thanh Lâm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật năm 1989./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)