Check in Hà Nội

Đình, đền, chùa Định Công Hạ (Hoàng Mai)

Sơn Dương (t/h) 17:00 08/04/2023

Cụm di tích đình - đền chùa Định Công Hạ nay thuộc khu Hạ, phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội (trước đây thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Định Công có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao. Điển hình là Bùi Xương Trạch sinh năm 1451 đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478) đời vua Lê Thánh Tông, được đi sứ Trung Quốc sau được thăng làm Thượng thư Chưởng lục bộ, kiêm đỗ Ngự sử Quốc Tử Giám, Thái phó trưởng quảng quốc công. Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có Bùi Huy Bích (1744 - 1818) thi đậu Hoàng giáp khoa thi Kỷ Sửu (1769) được trao chức Hàn lâm viện hậu lý, Đãi chế...

Vị thần được thờ ở đình và ở đền Định Công Hạ có mối liên quan mật thiết với nhau không thể tách rời: Đền thờ Phương Nghi hoàng hậu, người đã sinh ra chàng Công Sơ được thờ ở đình. Ngay từ khi còn ít tuổi chàng Công Sơ đã được nhà vua xây dựng Cung Sinh Từ ở Trang Định Công để hàng ngày vui chơi cùng mẹ.

Lúc sinh thời, bà Phương Nghi Hoàng hậu thấy dân ở đây đói khổ, đã gia tâm cứu giúp. Sau khi bà mất, dân làng đã thờ bà ở Cung Sinh Từ, sau này đổi tên thành đền Đầm Sen.

Chàng Công Sơ được thờ ở đình làm Thành hoàng làng. Ông đã được sinh ra và lớn lên ở trang Định Công, là người văn võ song toàn, ngay từ lúc còn nhỏ trẻ ông đã đem tài trí của mình ra gánh vác việc non sông đất nước. Khi bọn giặc đưa quân sang xâm lược vùng Châu Hoan, ông được nhà vua cử làm chỉ huy, với một trận quyết chiến, ông đã chém được tướng giặc. Nhà vua phong cho ông Phụ chính quốc tế Đông Hỷ hầu. Thời Thục An Dương Vương kéo vào nước ta với đội quân hùng hậu, vua Hùng đã phong Công Sơ làm Nguyên soái đại tướng công thượng lĩnh thuỷ đạo cùng với tướng Sơn Thánh, Quý Minh, Quý Hiển ra quân dẹp tan giặc, đưa lại cuộc sống thanh bình yên vui cho dân tộc.

Vị thần thứ hai được thờ trong đình làm Thành hoàng làng là Đoàn Thượng. Ông được người đời và sử sách ghi tên, đặc biệt căn cứ vào bài ghi về “Anh liệt chính khí Đoàn tướng quân” của tác giả Lý Tế Xuyên biên soạn hồi đầu thế kỷ XIV: “đó là vị tướng của nhà Lý có một tấm lòng yêu nước thương nòi, một tinh thần trung quân ái quốc đáng khâm phục. Đoàn Thượng là người văn võ toàn tài cuối triều Lý. Ông được vua phong chức Tổng quốc binh sự đại tướng quân”.

Qua nhân vật Đoàn Thượng ta thấy rõ thực trạng xã hội lúc bấy giờ. Cuối thời Lý vì không có con trai kế vị nên công chúa Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Vận nước đổi thay, nhưng Đoàn Thượng là một trung thần hết lòng phò nhà Lý, chống lại triều Trần... Sau khi ông mất có tới 72 nơi lập đền thờ ông, trong đó có dân làng Định Công Hạ đã lập bài vị thờ cùng với Thành hoàng mà họ đã thờ từ trước.

Đình, chùa Định Công Hạ có quy mô kiến trúc bề thế. Đình và chùa nằm ở vị trí trung tâm của phường, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Trước đình, chùa là hồ nước rộng, xung quanh là hệ thống các cây cổ thụ và cây ăn quả tạo nên một khuôn viên tươi đẹp cổ kính. Ngôi đền được toạ lạc như một hòn đảo nhỏ giữa đầm sen toả hương thơm ngát.

Chùa Liên Hoa là một trong những di tích có niên đại ra đời sớm ở nước ta. Dấu vết các thời kỳ lịch sử còn in đậm ở khối di vật hiện còn lưu giữ như chuông, khánh, bia đá... Đặc biệt, chùa còn tấm bia đá “Công đức bi kỷ” ghi ngày lành tháng 5 năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739). Hệ thống tượng tròn được tạo tác tỉ mỉ, công phu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX.

Đình, đền, chùa Định Công Hạ hiện còn bảo lưu được một sưu tập văn hoá đồ sộ về số lượng, phong phú về chất lượng, loại hình.

Đình khu Hạ: 1 cuốn thần phả; 3 đạo sắc phong, 1 long đình gỗ sơn son thếp vàng; 2 bức tranh phi gỗ; 4 câu đối sơn son thếp vàng, v.v...

Đền Đầm Sen: 2 đạo sắc phong; 1 tượng thờ, 1 khám thờ; 6 đôi câu đối gỗ; 2 bức hoành phi gỗ sơn son thếp vàng “Đức Thuỷ lưu trường”; Bát hương đồng, hai bát hương sứ; 2 bát hương ấn gỗ sơn son thếp vàng: 2 đôi lọ hoa sứ vẽ làm.

Chùa Liên Hoa: 1 chuông đồng có niên hiệu Tự Đức 22 (1869); 1 khánh đá; 2 tấm bia đá; 4 bức hoành phi; 6 đôi câu đối gỗ; 22 pho tượng tròn.

Bộ di vật trong cụm di tích đình đền chùa Định Công Hạ rất phong phú đa dạng, mang giá trị lịch sử văn hoá cao. Nhóm di vật gỗ được chạm khác Tinh xảo làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính cho công trình kiến trúc. Đặc biệt là hệ thống văn bia chuông, khánh mang phong cách nghệ thuật của hai thời kỳ Lê - Nguyễn.

Đình, đền, chùa Định Công Hạ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)