Check in Hà Nội

Đình, đền Đông Hạ - phố Ngô Thì Nhậm

Sơn Dương (t/h) 07:00 08/04/2023

Đình, đền Đông Hạ hiện nay cùng nằm chung trên một mảnh đất số nhà 28 - 30 ngõ Huế, phố Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây nguyên là một làng cổ, thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương của Thăng Long - Hà Nội.

Ngõ Huế, thời Pháp thuộc gọi là phố “Viên đội gác”. Sau Cách mạng tháng Tám, đổi tên là ngõ Duy Tân (vì phố Huế lúc đó gọi là phố Duy Tân). Đến ngày giải phóng Thủ đô (1954), gọi là ngõ Huế và giữ nguyên tên gọi cho đến ngày nay.

Để vào được đình, trước đây phải đi qua Tam quan vào đền rồi mới theo cửa ngách sang đình. Hiện nay, đình đã mở một cửa riêng thông ra ngõ Huế với kiểu hai cột trụ vuông đơn giản, phía trên có khung gỗ dẹt hình vòm cuốn, mặt ngoài có đôi rồng chầu mặt trời.

Qua cổng là một sân nhỏ lát gạch, trên sân có một số cây cổ thụ. Kiến trúc của đình hiện nay còn toà Đại đình, Hậu cung theo kiểu hình “chuôi vồ” và dãy nhà khách 3 gian.

Đại đình hướng đông, mái lợp ngói ta. Trên bờ nóc, chính giữa đắp bức đại tự có 3 chữ Hán lớn “Đông Hạ đình”. Hai bên là đôi rồng chầu. Đình thờ 3 vị thần là Cao Sơn, Linh Lang và Trần Hưng Đạo, là những nhân vật lịch sử có công lớn với dân với nước.

Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây, đình Đông Hạ thờ Cao Sơn đại vương, nội dung như ở đình Kim Liên thờ thần Cao Sơn, trấn phía nam của Thăng Long.

Trong thần phả đình Đông Hạ hiện nay còn lưu giữ, có một câu rất đáng chú ý vì nó liên quan đến địa lý Hà Nội cổ: “Thượng tự Đông Hạ, hạ chí Trung Chí, giai Búa Cái phường” nghĩa là “Trên từ Đông Hạ, dưới đến Trung Chí, đều là phường Cái Búa”, đủ thấy một phường thời Lý có diện tích rất rộng.

Đền Đông Hạ thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân gian rất phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ. Các công trình kiến trúc của đền Đông Hạ được giữ gìn khá tốt, hiện vẫn còn nguyên vẹn so với cảnh quan ban đầu như Tam quan, khu đền chính, am thờ Cô, Cậu, nhà thờ Tổ hậu.

Khu đền chính quay theo hướng nam, kiến trúc theo kiểu “chuôi vồ”, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc có hình mặt trời ở giữa, đôi rồng chầu hai bên Toà Đại bái gồm 3 gian, Hậu cung 2 gian. Ngăn cách giữa Đại bái và Hậu cung là một bức cửa võng, giống như một khám thờ lớn. Phần trang trí bên dưới cũng được chạm thủng đề tài thần đào đăng đối cùng hoa cúc mãn khai, mặt hổ phù, vân mây mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Hậu Cung đều có một khám thờ được chạm khắc công phu tỉ mỉ, trong khám là tượng Tam toà thánh Mẫu. Bệ thờ bên ngoài thấp hơn, trên bệ đặt 4 pho tượng Tứ vị vua Bà.

Phía sân bên phải của đền có hai am thờ, bên phải thờ Cô, bên trái thờ Cậu. Am Cô lớn hơn và kiến trúc theo kiểu hai tầng 8 mái, bờ nóc đắp rồng chầu, các góc đạo uốn cong. Trong am đặt 2 pho tượng Nhị vị Cô nương.

Di tích đình, đền Đông Hạ là một quần thể kiến trúc tôn giáo bản địa có giá trị. Nhân dân địa phương thường lui tới thực hiện các lễ nghi thờ cúng dân gian.

Đình, đền Đông Hạ đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1999./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)