Chuyển động Hà Nội

Quận Nam Từ Liêm có thêm một tuyến đường mới

Kim Thoa 21:13 07/04/2023

Sáng ngày 7/4, UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức lễ gắn biển tên đường Trung Thư, phường Trung Văn.

img_0585.jpg
Lễ gắn biển tên đường Trung Thư, phường Trung Văn (ảnh: hanoi.gov.vn)

Tham dự có các đồng chí Dương Ngọc Long – Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội; Trần Thanh Long – UVBTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể thuộc Quận cùng lãnh đạo Đảng uỷ - UBND - UBMTTQ các phường và toàn thể Nhân dân trên địa bàn phường Trung Văn.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã được nghe đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao công bố, trao Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội về việc đặt tên đường Trung Thư.

Đường Trung Thư có chiều dài hơn 600m, nằm trên địa bàn phường Trung Văn, có giá trị giao thông, kinh tế - xã hội, kết nối nhiều khu vực trên địa bàn Nam Từ Liêm.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, Trung Thư là tên địa danh cổ, tên gọi khác của làng Trung Văn (nay là phường Trung Văn). Làng Trung Văn xưa có tên là Trung Thư cùng làng Thượng Thư thuộc xã Ngọc Trục, sau đổi tên là làng Trung Văn, tên nôm là Dộc Bé, làng Thượng Thư đổi là Thượng Văn, tên nôm là Dộc Cả. Cuối thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và đầu thời Nguyễn, làng Ngọc Trục thuộc tổng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1831, huyện Từ Liêm thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Đầu thế kỷ 20, khi thành lập tỉnh Hà Đông, thuộc phủ Hoài Đức. Sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, làng Trung Văn thuộc xã Ngọc Trục (1946), thuộc xã Hữu Hưng, huyện Liên Bắc (1948), thuộc xã Cương Kiên, tỉnh Hà Đông (1949). Năm 1961, xã Cương Kiên thuộc huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Cương Kiên được đổi tên thành xã Trung Văn cho đến nay.

Với truyền thống ngôi làng cổ Trung Thư được vinh dự đặt tên, để lưu giữ một tên địa danh cổ, đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân sinh sống, là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ và Nhân dân phường Trung Văn nói riêng và quận Nam Từ Liêm nói chung. Việc đặt, đổi tên đường, phố nhằm tạo điều kiện cho việc xác nhận địa chỉ, quản lý đô thị cũng như lưu dấu lịch sử, văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Kim Thoa