Tác giả - tác phẩm

Việt Nam thế kỷ 19 qua ghi chép của học giả người Pháp

Yến Ly 06:14 08/04/2023

Theo cổ sử, An Nam là địa danh mà nhà Đường ám chỉ vùng Giao Châu. Và từ đầu thế kỷ 19 trở về trước, An Nam quốc hay Nam quốc cũng là cách mà người Việt Nam tự xưng khi nhắc tới mình. Xứ An Nam dưới thời Nguyễn đã từng như thế nào? Dù đã có nhiều tài liệu khác nhau trong tài liệu sử Việt và sử Trung nhưng qua ghi chép của người Pháp thì sao?

Vương quốc An Nam và dân An Nam là cuốn ký sự du hành của nhà địa lý người Pháp, J. L. Dutreuil de Rhins. Cuốn sách ghi chép lại những quan sát, cảm nhận của tác giả trong 9 tháng sinh sống ở An Nam, làm việc với vua Tự Đức.

Năm 1876, vua Tự Đức đã yêu cầu Pháp gửi 5 thuyền trưởng điều khiển số thuyền chiến mà Pháp tặng An Nam. J. L. Dutreuil de Rhins là một trong số những người được Bộ trưởng Bộ Hải quân Pháp chọn cho nhiệm vụ này. J. L. Dutreuil de Rhins lúc này đã tốt nghiệp Học viện Hải quân và có vài năm kinh nghiệm đi biển đường dài.

storge-12-.png
Cuốn sách "Vương quốc An Nam và dân An Nam"

Cuốn sách gồm 16 chương, được viết theo trình tự thời gian trong hành trình của tác giả, từ lúc J. L. Dutreuil de Rhins đặt chân đến An Nam, từ Hạ Đàng Trong đến Tourane (Đà Nẵng ngày nay), những cảm nhận về đồng bằng và thành Huế, những quan sát và trải nghiệm về các tỉnh miền Trung và dân cư. Rồi lần thứ 2 ở Tourane và những phong tục tập quán. Những chứng kiến trước tài trí của các quan. Cảm nhận và ghi chép về đồn An Nam cuối cùng hay là những trải nghiệm Tết và kỷ niệm về những ngày cuối cùng ở Huế. Bên cạnh đó là những ghi chép về quy định của nhà vua về hải quân An Nam, những trang viết về hiện trạng và tương lai của thương mại Đông Dương phía Đông.

Những ghi chép rất tỉ mỉ của J. L. Dutreuil de Rhins là một cơ sở tham khảo cần thiết cho các nghiên cứu về chính trị, xã hội thời Nguyễn cũng như các đặc điểm địa lý, khí hậu vùng miền như:

“Hạ Đàng Trong, xứ đầm lầy nóng ẩm ngự trị (210 đến 350), không tốt lắm cho sức khỏe; nhưng khi kiều dân có được một tiện nghi nhất định và nhất là tuân theo các nguyên tắc vệ sinh, thì họ sẽ sống tốt như ở các thuộc địa khác vùng gian chí tuyến. Thêm nữa sự quần cư và phúc lợi cũng không ngừng góp phần vào việc cải thiện điều kiện sống. Chắc chắn, người châu Âu không nên nghĩ đến việc bỏ công sức lao động vất vả cả đời trên cánh đồng, nhưng họ có khả năng tốt để điều hành bất kỳ công việc kinh doanh nào, ngay cả nông nghiệp, và điều đó hoàn toàn đủ để Hạ Đàng Trong trở thành một nơi di dân thực sự. Do đó, sẽ thật đáng tiếc nếu ở đây người Châu Âu chỉ tìm cách làm môi giới giữa người sản xuất (người An Nam và người Hoa) và người tiêu dùng – một nơi mà người Hoa độc quyền như những chỗ khác; – bởi vì nguy cơ chúng ta sẽ không bao giờ có được chỗ đứng vững chắc ở xứ sở này.”

“Các quan hạng nhất nhận được 30 quan mỗi tháng (quan có giá trị 1 franc), cộng với hai bộ quần áo mỗi năm (một bằng lụa, một bằng vải) và ba tạ gạo (180 kg) mỗi tháng. Thợ máy hạng nhất nhận được 3 quan và các thủy thủ 2 quan, cộng với nửa tạ gạo mỗi tháng, và mỗi năm một bộ quần áo vải gồm hai áo cộc, quần và thắt lưng; nhưng trên thực tế, họ nhận nhiều đòn roi hơn là tiền bạc.”

Cuốn sách là một tài liệu tham khảo quan trọng và cần thiết cho những khảo cứu về lịch sử nước ta dưới thời Nguyễn, qua góc nhìn và trải nghiệm của học giả người Pháp./.

J. L. Dutreuil de Rhins (1846 - 1894) là nhà địa lý, nhà thám hiểm người Pháp. Ông phục vụ cho Hải quân Pháp với cương vị là một thuyền trưởng đường dài trong các cuộc thám hiểm tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, đồng thời nhận nhiệm vụ khảo sát và vẽ bản đồ. Năm 1894, trong chuyến thám hiểm Thượng Á, ông hy sinh trong một cuộc đụng độ với người bản địa tại Tây Tạng.

Yến Ly