Check in Hà Nội

Đình Đại Yên (Ba Đình)

Sơn Dương (t/h) 07/04/2023 10:04

Đình Đại Yên thuộc trại Đại Yên, nay là phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Từ trung tâm thành phố theo đường Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Lê Hồng Phong - Đội Cấn đến số nhà 203, rẽ phải vào đường gạch khoảng 700m là tới di tích.

Đình Đại Yên gắn với khu “Thập tam trại” ở phía tây kinh thành Thăng Long từ thời Lý. Đình thờ vị Thành hoàng làng là công chúa Ngọc Hoa - một cô bé mới 9 tuổi đã lập công to trong trận đánh vua Chāmpa là Chế Ma Na năm 1104. Hiện nay phía sau Hậu cung đình vẫn còn gò đất cao, tương truyền đó là mộ của nàng Ngọc Hoa.

Truyện kể rằng: vào thời Lý, có người tên là Trần Huấn, nguyên quán xã Phúc Lâm (huyện Yên Định, Thanh Hoá ngày nay) ra Thăng Long dạy học và lấy vợ ở Đại Yên. Bà vợ bán tôm, buôn cá nên hàng ngày thường qua lại chợ An Bản (Đại Bi). Một hôm, bà bắt được tấm lụa của người phụ nữ đi chợ bỏ quên. Vốn là người không tham lam, bà Huấn liền gọi trả lại người đánh mất. Đêm đó, bà mộng thấy một cụ già hiện lên trao cho bà viên ngọc quý. Tỉnh dậy, bà thấy người khác lạ, từ đó bà mang thai, sau sinh hạ được một người con gái, ông bà đặt tên con là Ngọc Hoa.

Ngọc Hoa sống với mẹ ở Đại Bi. Bấy giờ, nước ta có giặc Ma Na sang xâm lược. Vua truyền hịch xuất chinh, nàng Hoa khi ấy mới lên 9 nhưng xem ra đã là một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng. Nàng đã giả trai xin gia nhập quân đội và cùng cha đi dẹp giặc.

Tới miền đất địch, quân ta hạ trại, cùng giao chiến với địch mấy trận mà không phân thắng bại nàng Hoa bèn lập kế vờ làm cô gái bán trầu cau, thuốc lào đem hàng vào bán ở đất địch. Quân giặc do nghiện trầu thuốc nặng lại thấy cô gái xinh đẹp bán hàng nên càng thích, chúng xúm quanh gánh trầu thuốc đông như kiến, không phòng bị gì cả. Nàng Hoa thu thập được nhiều tin tức của quân địch, nàng lựa thời cơ đến, làm ám hiệu cho quân ta xông vào diệt địch. Quân giặc thua phải rút hết về nước, đất ta sạch bóng quân thù.

Khải hoàn trở về, nàng Hoa bèn xin về quê mẹ là Đại Bi và hoá tại địa điểm dựng đình ngày nay. Nhà vua vô cùng thương tiếc, phong cho nàng là Ngọc Hoa công chúa.

Hiện nay ở đình còn nhiều câu đối ca ngợi công lao của nàng như:

“Nhất trận hoàn quân, địa Yên Vũ trụ Cửu linh phá tặc, phù Lý giang sơn”

Một trận thắng hồi quân, khiến đất Yên tưng bừng vũ trụ, Chín tuổi thơ dẹp giặc, phò nhà Lý bền vững non sông.

Hay:

“Phụ giới xuất anh thư, Trưng Triệu nhị hậu, Quốc triều long bảo cáo, sinh tử phi phàm”

Tạm dịch:

Nữ giới nảy anh hùng, Trưng Triệu tiếp gót, Triều đình ban sắc chỉ, sống chết khác thường.

Đình Đại Yên được xây dựng từ rất sớm và được đại tu lớn vào năm 1886. Kiến trúc đình gồm: cổng đình, sân gạch, Tả vu, Hữu vu. Tiền tế, Đại bái, Hậu cung, phía sau là khu mộ Ngọc Hoa.

Cổng đình được làm kiểu ngũ môn có mái che, qua cổng tới sân đình, hai bên là tả hữu vu, mỗi bên 3 gian. Toà tiền tế gồm 5 gian, mái lợp ngói ta, kết cấu vì kiểu “chồng rường giá chiêng” bên trong đặt một cỗ kiệu bát cống, một cỗ long đình và một hương án lớn. Qua tiền tế là đại bái xây nhỏ hơn gồm 3 gian và hậu cung 3 gian xây dọc. Trong cung xây bệ thờ 2 tầng, tầng trên đặt khám thờ lớn bên trong đặt tượng Ngọc Hoa, tầng dưới đặt long ngai, bài vị Thành hoàng ghi rõ: “Ngọc Hoa công chúa” và hòm đựng 5 đạo sắc của các triều vua phong tặng.

Đình Đại Yên với hình ảnh cô bé Ngọc Hoa 9 tuổi đầy mưu trí, dũng cảm theo cha ra trận đã là tấm gương tiêu biểu cho lòng yêu nước, chí căm thù giặc của những thiếu niên đất Việt. Nàng Ngọc Hoa đã theo gương người anh hùng làng Gióng thuở xưa làm nên những trang huyền thoại đầy hương sắc, yêu nước, thương nòi sáng mãi trong lòng người Hà Nội.

Hội làng Đại Yên được tổ chức vào ngày 14 tháng ba âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, sau phần lễ là điệu múa “Dâng hoa" với nàng công chúa Ngọc Hoa và các em bé áo tứ thân cầm những bông hoa hồng nhịp nhàng tiến lui...

Đình Đại Yên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích - lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)