Check in Hà Nội

Đình Dương Hà

Sơn Dương (t/h) 15:20 06/04/2023

Đình Dương Hà hay còn gọi là đình thôn Thượng, thuộc xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trước đây đình thuộc thôn Thượng, xã Hạ Dương, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đến năm 1960 mới nhập về huyện Gia Lâm.

Đình Dương Hà có khởi nguồn từ rất xa xưa. Lúc đầu nó là ngôi đền thờ ghi công những vị anh hùng có công với nước, đến thế kỷ XVI, ngôi đình Dương Hà được xây dựng trên nền đất cũ của di tích để thờ Hà Vĩ Uyên - danh tướng của Hai Bà Trưng trong tín ngưỡng thờ Thần hoàng làng. Theo Thần tích và truyền thuyết địa phương cho biết: Sau trận chiến đấu quyết liệt với quân Mã Viện ở Lãng Bạc, theo lệnh của Trưng Nữ Vương, Hà Vĩ Uyên lui quân về doanh trại tại Hạ Dương để củng cố lực lượng, sau đó ông đã hoá ở đây. Nghe tin ấy, Trưng Vương đã ra chiếu cho dân làng Hạ Dương sửa sang đền, chùa để được phụng thờ mãi mãi. Đến năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng sau khi đẹp loạn 12 sứ quân đã xuống chiếu cho làng Hạ Dương làm lại đình phụng thờ và phong sắc: “Nhất phong Hà Uyên tín quốc đại vương”.

Căn cứ vào những tấm bia hiện còn ở đình, cũng như những mảng chạm khắc trên các bức cốn, con rường... mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI - XVIII đã khẳng định đình Dương Hà được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng, được trùng tu và xây thêm hậu cung ở thời Nguyễn, do vậy kiến trúc của đình hiện còn là sự đan xen giữa kiến trúc thời Lê và thời Nguyễn.

Đình Dương Hà được xây dựng trên khu đất cao với mặt bằng di tích hình chữ “đinh”, toà Đại đình 5 gian và Hậu cung 2 gian, bộ khung trong đình được làm kiểu thượng kẻ cầu hạ chống rường. Về nghệ thuật điêu khắc, đình còn bảo lưu khá nguyên vẹn nhiều mảng chạm khắc gỗ, đá của thế thế kỷ XVII - XVIII, tiêu biểu nhất là 4 bức cốn, rường trên hai bộ vì của gian giữa... Đình còn bảo lưu được nhiều di vật quý tất cả được tạo tác từ thời Lê và một số thời Nguyễn như: Hai đội câu đối sơn son thếp vàng, hai bức đại tự, hai long ngai, bộ kiệu gỗ, 4 bia đá của các triều vua Chính Hoà (1704), Vĩnh Thọ (1739), Vĩnh Hựu (1660), Cảnh Trị (1667), 19 sắc phong thời Lê Cảnh Hưng đến Khải Định... Những di vật đó không chỉ mang giá trị nghệ thuật, mà còn là những tư liệu quý trong việc tìm hiểu lịch sử ngôi đình, văn hoá làng xã cũng như lịch sử dân tộc.

Lễ hội chính của Hạ Dương diễn ra từ ngày mùng 9 đến ngày 16 tháng hai âm lịch; ngày 9 là ngày mộc dục với lễ rước kiệu từ đình vào miếu, “tắm rửa” xong lại rước thánh về đình.

Với những giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử, đình Dương Hà đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng năm 1986./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)