Hai Bà Trưng và tín ngưỡng phụng thờ người anh hùng dân tộc và Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ
Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc vừa phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức Diễn đàn văn hoá "Hai Bà Trưng – Tín ngưỡng Phụng thờ người anh hùng dân tộc và Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ" tại Miếu thờ Hai Bà Trưng, số 680 đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hai Bà Trưng là tên chung chỉ hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, hai nữ anh hùng đã khởi binh chống lại ách đô hộ của chính quyền Đông Hán, giành lấy quyền tự chủ cho quốc gia, dân tộc. Sau khi hai bà mất, việc thờ cúng được thực hiện tại nhiều nơi trên cả nước, với trên 100 di tích tập trung ở các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình…
Tại diễn đàn, Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc Trần Văn Nam nhấn mạnh: Từ truyền thống tri ân anh hùng dân tộc đến các thực hành tín ngưỡng của cộng đồng người Việt là cả một hành trình văn hóa cần được tìm hiểu, giải mã, đem đến những nhận diện giá trị văn hóa, thậm chí nhận diện cả những hạn chế, tiêu cực để kịp thời ngăn chặn, điều chỉnh cho đúng hướng, phục vụ đời sống văn hóa xã hội hiện nay. Với trường hợp Hai Bà Trưng và các nữ tướng của hai bà, những năm gần đây đã được cộng đồng tri ân và tôn vinh vào hàng các chủ điện thờ Mẫu, được gắn với các hình thức sinh hoạt thờ Mẫu Tam/Tứ phủ cũng như thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt nói chung.
Những biểu hiện văn hóa này cũng chính là sự hiện tồn của thực trạng phát triển của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu người Việt đã và đang diễn ra tại nhiều vùng quê trên phạm vi cả nước. Từ những biểu hiện của đời sống sinh hoạt văn hóa đang diễn ra, việc tổ chức các diễn đàn văn hóa là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và mang lại ý nghĩa lý luận và ứng dụng cho môi trường sinh hoạt tín ngưỡng hiện nay. Đó cũng là mục tiêu hướng tới của Diễn đàn văn hóa do Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc phối kết hợp cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đồng tổ chức.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi nhằm làm rõ hành trình văn hóa từ truyền thống tri ân anh hùng dân tộc đến các thực hành tín ngưỡng trong đời sống đương đại, trong đó có việc gắn với các hình thức sinh hoạt thờ Mẫu, giúp nhận diện những giá trị tích cực; những hạn chế, tiêu cực để kịp thời đưa ra cảnh báo, điều chỉnh đúng hướng phục vụ đời sống văn hóa xã hội hiện nay, góp phần làm sáng rõ thêm truyền thống tôn vinh danh nhân và bảo vệ, tôn tạo các giá trị, hệ giá trị văn hóa của người Việt trong cộng đồng quốc gia các dân tộc Việt Nam.