Văn hóa – Di sản

Hát Dô - giai điệu độc đáo của người Hà Nội

Kim Thoa (T/h) 03/04/2023 06:48

Trong đợt ghi danh mới nhất, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô, cùng với 14 di sản khác trên cả nước đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm vinh danh những sáng tạo đẹp đẽ của cộng đồng địa phương.

6bbec3c3ea59d1312f32225f8761171f.jpg
      Hát Dô - giai điệu độc đáo của người Hà Nội  (Ảnh: N.Lan)

Xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai nằm kề bên dòng sông Tích, là vùng đất cổ bán sơn địa, gắn với tục thờ Tản Viên Sơn Thánh cùng nghi lễ hát Dô làm nên nét đặc sắc riêng có cho không gian lễ hội nơi này. 

 Tương truyền điệu hát này bắt nguồn từ câu chuyện Đức Thánh Tản về làng. Ngài đã dạy người dân ở đây trồng trọt, cấy lúa, sau đó, Ngài đi nơi khác, hẹn ngày lúa chín sẽ quay trở lại.

Đến mùa lúa chín, dân làng phấn khởi, chờ đón ân nhân của mình trở về làng nhưng mãi tới 36 năm sau, Ngài mới quay trở lại. Khi đó, Ngài tập hợp nam thanh nữ tú trong làng đến để dạy múa hát, mở hội mừng dân no ấm được mùa, đó chính là điệu hát Dô ngày nay. Hết hội, Ngài lại ra đi, dân làng lập đền thờ Ngài ở một mảnh đất gò cao thuộc thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết ngày nay. Theo đó cứ 36 năm nơi đây mới mở hội hát một lần, gọi là hội hát Dô.

Vào năm hội mở (từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch) những ngày trước đó các bậc bô lão trong làng làm lễ, lấy sách ở đền, chọn nam thanh nữ tú dạy hát Dô. Đến ngày hội, các thôn khênh kiệu vào làm lễ Cáo tế. Sau đó, các thôn anh cả, anh hai, anh ba, anh tư, anh năm tham gia hát. Lễ hội kết thúc, người dân cất sách vở vào tráp, không ai được nhắc lại, nếu nhắc lại sẽ bị Thánh phạt. Người dân Liệp Tuyết coi đó là lời nguyền, không ai dám vi phạm.

Chính vì tục lệ 36 năm mở hội hát một lần, bởi vậy hát Dô chỉ được lưu truyền trong trí nhớ của lớp người đã tham gia hội hát chứ không được truyền dạy rộng rãi trong vùng. Làn điệu hát cổ nơi đây đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Là người con quê hương, bằng chính tình yêu, trách nhiệm, bà Nguyễn Thị Lan, không đành lòng để làn điệu hát cổ bị mai một, bà quyết tâm vượt qua “lời nguyền” làm “sống” lại điệu hát Dô của quê hương một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất.

Theo bà Lan thì việc sùng tín ngưỡng của người xưa như: tin vào lời nguyền của đức Thánh một cách thái quá, thời gian trình diễn loại hình nghệ thuật này quá xa nhau (36 năm), hơn nữa hát Dô lại lại là loại hình âm nhạc khó học... khiến cho người dần quên đi nét văn hóa tự bao đời.

Chỉ đến khi Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) phối hợp Phòng Văn hóa huyện Quốc Oai về khảo sát và mở một lớp truyền dạy hát Dô tại xã (1989), loại hình âm nhạc dân gian độc đáo này mới được quan tâm đúng mực. Cũng năm đó, đội hát Dô đã bắt đầu hát trong hội diễn văn nghệ của xã, rồi huyện. Năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiến hành biên soạn sách về hát Dô; hỗ trợ lớp truyền dạy cho 20 học viên cũng như tăng cường tuyên truyền, quảng bá di sản trong cộng đồng, tại các sự kiện văn hóa thành phố và cấp quốc gia; xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh di sản vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Lời ca hát Dô vừa mang phong cách dân gian vừa có nhiều điểm tích, chữ nghĩa súc tích. Hát Dô đã hoàn thiện và định hình bài bản từ sau thế kỷ thứ X, đặc biệt từ thế kỷ XV trở đi. Hát Dô có tới hơn 20 làn điệu, gồm có hát nói, hát ngâm, hát và xô, trong đó hát và xô là hình thức diễn xướng chủ yếu. Nội dung các bài hát phản ánh nhận thức thiên nhiên của người dân lao động, thể hiện ước mơ của họ về một cuộc sống bình yên no ấm, nhân khang vật thịnh. Ngoài hát chúc nghi lễ, ca ngợi thần linh, hát Dô còn là tiếng ca chữ tình trong sáng về tình yêu nam nữ, hạnh phúc lứa đôi, về cuộc sống lao động sinh hoạt đời thường.

Những nghệ nhân vùng Liệp Tuyết hiện vẫn lưu giữ được những bài bản hát Dô truyền thống. Họ là những kho tàng sống về làn điệu hát Dô cổ. Dù tuổi cao, sức yếu, họ vẫn đem hết sức mình để truyền dạy cho con cháu vốn quý của cha ông.

Trải qua không ít khó khăn, đến nay Câu lạc bộ đã có trên 1.000 thành viên, trong đó 35 thành viên, là các cháu học sinh tham gia hoạt động thường xuyên. Từ chỗ người dân Liệp Tuyết ít biết đến hát Dô, đến nay hát Dô trở thành sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây.

Câu lạc bộ hát Dô Liệp Tuyết được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn nghệ dân gian. Bằng sự nỗ lực, cố gắng cống hiến của bản thân cho hoạt động cộng đồng, bà Lan được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian; Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; Nghệ nhân nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Kim Thoa (T/h)