Người Hà Nội gốc – cớ sao cứ mãi đi tìm?
Hai mươi năm rời xa Hà Nội. Hai mươi năm chưa trở lại Hà Nội. Hà Nội tưởng chừng ngủ yên bất chợt ùa về mỗi khi khẽ chạm vào miền ký ức. Hà Nội trong tôi thuở ấy là vần thơ tài hoa của thi sĩ Nguyễn Đình Thi: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may/Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
Hà Nội trong tôi thuở ấy là ca từ dịu dàng, lãng đãng của nhạc sĩ Trương Quý Hải “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh/Hoa sữa thôi rơi một chiều tan lớp/Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm lối ta về”. Hà Nội trong tôi thuở ấy là món phở đầy tò mò, mê hoặc của bậc tiền bối văn nhân Nguyễn Tuân. Tôi luôn nghĩ về Hà Nội là miền đất của những con người văn minh, trí tuệ, lịch lãm, hào hoa. Tôi đã háo hức và tưởng tượng thật nhiều về Hà Nội – vùng đất nghìn năm văn hiến.
Trớ trêu thay !
Tôi vỡ mộng ngay từ những ngày đầu tiên và ám ảnh tôi suốt gần năm nhất đại học, thậm chí cả cái món ngon nức tiếng của Hà Nội, được vinh dự liệt kê vào danh sách ẩm thực đất Việt vẫn còn dùng dằng tôi đến tận bây giờ.
Lần đầu tiên ăn phở tại xứ kinh kỳ. Tôi cố không chọn quán xá vỉa hè mà tìm đến một tiệm khá khang trang trên con đường Đê La Thành. Quán vắng, chủ quán dường như đang bận phía sau nhà, đểnh đoảng bưng ra hai bát phở cho khách. Trời ạ, tôi và cả người bạn miền Bắc lúc ấy không khỏi thất vọng khi nhìn thấy từng miếng thịt xám ngoét, dai ngoách như thịt trâu. Tôi từ giã phở, từ giã giấc mơ phở Nguyễn Tuân.
Lần đầu tiên tham gia giao thông tại xứ kinh kỳ. Sơ ý, tôi va nhẹ vào ông khách to béo đang chạy xe máy trên đường, ông ta quát lớn: Có biết đi đường Hà Nội không ? - Tràng An thanh lịch đây sao?
Lần đầu tiên mua hoa quả tại xứ kinh kỳ. Ngạc nhiên vì thấy không ít chị em trong túi xách có hẳn cái cân be bé để phòng cân lại khi mua hàng rong trên phố. Cô bán hàng cân cho tôi 1,4kg hoa quả nhưng cân lại chỉ còn hơn một kí. Thấy tôi khó chịu, cô lập tức thêm vào một quả lê thật to nhưng lại chọn lúc tôi quay đi thì nhanh tay giấu vội quả lê vừa mới thêm vào… - Tràng An thanh lịch đây sao ?
Lần đầu tiên đi chùa tại xứ kinh kỳ. Mấy đứa sinh viên chúng tôi thành tâm thắp nhang lạy Phật, bỗng nhiên sư cô đang gõ mõ tụng kinh ngay bàn thờ chính điện liếc mắt gằn giọng: Này cô kia, cô kia, không được đốt nhang nhé!. Choáng!
Và lần đầu tiên tôi nhìn thấy sông Tô Lịch – dòng sông huyền thoại đi vào lịch sử, vậy mà nay nước chảy đen ngòm, rác thải ngập tràn, bốc mùi hôi thối.
Thất vọng não nề. Tôi dường như sống khép kín, chỉ quanh quẩn giao lưu với mấy anh chị đồng hương trên mảnh đất Hà Nội suốt cả một học kỳ sinh viên. Những mảnh vỡ của tháng ngày đầu tiên đặt chân lên xứ Hà thành cứ mãi ám ảnh tôi. Phải chăng nghệ thuật là ánh trăng lừa dối ?. Đôi khi tôi thầm ước, ước gì ai đó dẫn tôi đi ăn một bát phở như Nguyễn Tuân viết nhỉ ! Ước gì cô bán hàng rong cân đong cũng đẹp như cô ấy! Ước gì Tô Lịch được trả lại trong xanh như thuở hồng hoang của Đại La thành…
Và tôi cũng chẳng cần ước lâu. Một ngày cuối tuần, tôi chải lại mái tóc dài bồng bềnh trong gió, mái tóc đã rụng nhiều bởi tôi chưa quen với nắng gió thành đô. Chẳng hiểu sao ngày hôm ấy nắng thật dịu dàng như mời gọi, như thúc giục tôi bắt đầu biết lang thang trên các đường phố Hà Nội.
Tôi đạp xe lên phố Liễu Giai, ngang qua chùa Bộc, chạy dọc đường Thái Học, công viên Ngọc Khánh, qua lăng Bác, dạo Bờ Hồ, lòng vòng các phố Lò Đúc, Quán Thánh… Đi suốt buổi cho đến khi muốn quay về lại trường, bỗng quên đường nên đành hỏi một người dưng. Thật dễ thương, người dưng cũng không biết đường nhưng lại dừng xe hỏi những người khác giúp tôi. Lần đầu tiên, Hà Nội đã chạm vào tôi.
Cứ thế, suốt bốn năm đại học, tôi đã đi qua khá nhiều các con phố, ngõ nhỏ của Hà Nội. Hà Nội là những gánh hàng hoa, những chiếc xe đạp chở hoa rong ruổi khắp các con đường. Sinh viên chúng tôi thời ấy yêu hoa sẽ tìm đến gánh hoa bán rong, giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng hoa trên phố. Dù cuối tháng các chàng trai sắp cháy túi thì chỉ cần hai nghìn đồng tương đương với một suất cơm bụi cũng đủ mua một bông hồng đỏ thắm mà tỏ tình với người thương.
Tôi nhớ con đường Nguyễn Du ngập tràn hoa sữa mỗi độ thu về. Ngày ấy, anh bạn đồng hương nói với tôi: người Hà Nội họ rất tự hào về hoa sữa, người ta còn đếm có bao nhiêu cây hoa sữa trên phố Nguyễn Du. Có lẽ vì thế mà thi sĩ Nguyễn Phan Hách đã làm thổn thức tâm hồn bao cô gái bởi bài thơ hoa sữa, tình đầu đẹp lãng mạn tại hương hoa sữa ngây ngất, tình đầu phôi pha cũng tại sang đông không còn hoa sữa…
Tôi nhớ món cốm Hà Nội, chị bán quà bảo cốm làng Vòng thì tôi biết là làng Vòng. Bây giờ, giao thông thuận lợi, đặc sản các vùng miền có mặt khắp nơi. Nơi tôi ở cách Hà Nội cả nghìn cây số nhưng vẫn có thể thưởng thức món cốm gửi về từ phương Bắc. Song, cái cảm giác thưởng thức từng hạt cốm đặt trong lá sen, ngồi trên ghế đá Bờ Hồ hay chỉ cần một góc trong căn phòng trọ nhỏ, mở toang cửa sổ giữa tiết trời thu Hà Nội, gió se se và lác đác lá vàng rơi thì mới cảm được cái ngon thanh tao, tận cùng của cốm.
Tôi là người vốn không thích các món ăn làm từ gạo nếp, vậy mà chẳng hiểu sao ra Hà Nội tôi lại rất ghiền bát xôi gấc của bà cụ ở làng Trung Hòa nơi tôi trọ học. Phải chăng vì gạo nếp, vì gấc Hà Nội ngon hơn vùng cao nguyên quê tôi hay vì bà cụ hiền lành, đôn hậu mỗi khi xới xôi cho tôi mỗi sáng? Chỉ biết rằng hương vị ngọt ngào, thơm dẻo của bát xôi gấc giá một nghìn đồng thời ấy theo tôi đến tận bây giờ.
Hai mươi năm rời xa Hà Nội, ngần ấy thời gian đủ cho tôi đi qua nhiều nơi từ Nam-Trung-Bắc, được thưởng thức các món ăn của các vùng miền và cuối cùng đọng lại trong tôi là sự trở về với món ăn Hà Nội. Có thể nói, món ăn Hà Nội có vị thanh dịu, ít tẩm ướp nên vẫn giữ được hương vị ban đầu của nguyên liệu chính. Tôi nhớ xôi gấc ở cái chợ làng đơn sơ bên Trung Hòa của cụ già hiền hậu, nhớ chiếc bánh chưng của bác chủ nhà trọ làm quà sau dịp Tết Nguyên đán, nhớ bún chả-nem rán Thành Công có anh chủ quán xởi lởi: Các em vào ăn quà nào! , nhớ bỏng ngô, ốc luộc mỗi khi trời vào đông lạnh giá. Mùa nào thức nấy, Hà Nội ăn theo mùa và mặc cũng theo mùa. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nơi đây rất rõ rệt nên giọng nói của người Hà Nội cũng lên bổng xuống trầm đủ sáu thanh: huyền, nặng, ngã, ngang, sắc, hỏi như đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng – cái nôi của nền văn hóa đất Việt.
Nhiều người nói rằng, Hà Nội đẹp và thơ của ngày xưa thôi, giờ đây Hà Nội chỉ toàn cầu với cống, người với xe đến ngộp thở, người Hà Nội gốc dường như không còn.
Người Hà Nội gốc? Thực tế không chỉ trong đời sống thường nhật mà ngay cả truyền thông cũng bàn về người Hà Nội gốc. Người ta ca ngợi người Hà Nội gốc, hoài niệm về Hà Nội xưa. Âu cũng là lẽ thường trước cái đẹp của một thời nay dần lùi vào dĩ vãng. Nhưng đôi khi chút tâm tình hoài cổ vô tình hay hữu ý lại bài xích, tổn thương những người tỉnh lẻ đang định cư tại Hà Nội?
Hà Nội là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, là thủ đô của cả nước, đất lành chim đậu. Bao nhiêu tài năng trên mọi miền Tổ quốc neo lại nơi này để làm việc, cống hiến. Như rất nhiều người bạn đồng môn của tôi đi ra từ mái trường Đại học Luật, họ đến từ mọi vùng miền Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… để rồi chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp; hay như nhiều chính trị gia, nhiều nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng, vậy trong số đó có bao nhiêu người gọi là người Hà Nội gốc? Có nhiều bài hát viết về Hà Nội thật hay, nhiều áng văn chương tài hoa của những người con đang gắn bó và nồng nàn một tình yêu với Hà Nội, song tác giả của các tác phẩm đó đâu phải ai cũng là người Hà Nội gốc? Thử hỏi, nếu không có họ, nếu không có nhân tài tụ hội về Hà Nội thì Hà Nội sẽ thế nào, cớ sao ta cứ phân biệt người Hà Nội gốc và không phải người Hà Nội gốc?
Mà thực ra cũng chưa có một tài liệu chính thống quy định thế nào là người Hà Nội gốc? Thôi thì, xin đừng định nghĩa thế nào là người Hà Nội gốc, xin đừng nhọc công tìm kiếm, đưa ra một tiêu chuẩn, khái niệm về người Hà Nội gốc. Tôi nghĩ rằng, Hà Nội là Hà Nội, nếu ai đó sống ở Hà Nội đủ lâu, yêu Hà Nội đủ sâu thì đó là người Hà Nội. Cứ để Hà Nội biến thiên trong dòng chảy quy luật của cuộc sống, trong dòng chảy đó, có quá khứ-hiện tại-tương lai, chúng ta phải biết chấp nhận giữa được-mất, trái-phải, song hãy yêu và đi đến tận cùng Hà Nội, sẽ thấy Hà Nội vẫn là Hà Nội, Hà Nội vẫn là Tràng An thanh lịch, nghìn năm văn hiến trên xứ sở hình chữ S này.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hạnh Phước. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.