Văn hóa – Di sản

Ngắm khung cảnh hoài cổ của Đình làng Thổ Khối

Ngân Hà (t/h) 15:58 21/03/2023

Đình Thổ Khối nằm tại ven đê thuộc hữu ngạn sông Hồng. Dưới góc nhìn phong thủy, có người cho rằng đây là thế đất “Rồng chầu”.

dinh-tho-khoi-7.jpeg

Vốn dĩ, người ta gọi đây là thế đất “Rồng chầu” là bởi dải đê sông Hồng là thân Rồng, giếng đình và đầm đền Cây là mắt Rồng, đình, chùa đối xứng nhau là gò má Rồng, đê quai sau đình là hàm Rồng. Đây là một cách nhìn mang tính khái quát văn hóa cổ truyền.

dinh-tho-khoi-1.png

Thổ Khối, theo cách giải nghĩa của từ Hán – Việt là mảnh đất, khối đất được liên kết chặt chẽ và bền vững. Thổ Khối là một trong 4 thôn của xã Cự Khối trước đây.

Vào đầu thế kỷ XVIII, đình Thổ Khối đã thờ 6 vị Thần, nhưng khởi nguyên làng chỉ thờ Thành Hoàng họ Đào, còn các vị Thần khác chỉ được phối thờ.

Đình Thổ Khối là ngôi đình cổ kính ẩn mình trong những cây cổ thụ, nép mình tại khúc quanh của con đê sông Hồng, tạo ra sự đăng đối, một cảnh quan đẹp cho một làng quê ven sông. 

Trước cửa đình là giếng nước hình bán nguyệt, bờ giếng được viền tường gạch và có bậc lên xuống. Xưa kia, các cụ không cho làm bẩn đến nước giếng, ngay cả việc rửa chân tay, do vậy, dân làng thường lấy nước giếng về sinh hoạt. Giếng đình có giá trị tinh thần rất lớn, không thể tách rời ngôi đình, đó là điểm tụ Thủy và chính là tụ Phúc. Đình Thổ Khối quay về hướng Tây nhằm cầu cho Thần luôn yên vị.

dinh-tho-khoi-2.png
dinh-tho-khoi-4.png

Sân đình rộng lớn được lát gạch Bát Tràng, dẫn vào tòa Đại đình. Mặt bằng kiến trúc ngôi đình có kết cấu hình tiền nhất, trung đinh, hậu công. Đây là mặt bằng kiến trúc hiếm gặp ở những ngôi đình khác. Tòa Tiền tế và tòa Đại đình được dựng tiếp giáp nhau, có chung máng nước, tiếp đến là tòa Ống muống, qua Ống muống là Hậu cung gồm Cung ngoài và Cung cấm, được cách bởi tòa Thiêu hương.

So với các ngôi đình khác ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Hậu cung đình Thổ Khối có kết cấu hình chữ Công, bao gồm Cung ngoài, Thiêu hương và Cung cấm.

dinh-tho-khoi-8-lon.jpeg
dinh-tho-khoi-9-lon.jpeg
Lễ hội làng Thổ Khối được tổ chức từ 8 đến 10 tháng hai âm lịch hằng năm.

Hiện nay, tại đình Thổ Khối còn giữ được 6 cỗ ngai và bài vị có liên đại vào thế kỷ XVIII, tấm bia có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 (1785), sắc phong cổ nhất có niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) và đặc biệt trên kiến trúc ở dĩ (chái) của tòa Trung đường còn một vài con chồng (rường) được chạm khắc có nét tương đồng nghệ thuật trên kiến trúc đền Gióng (Phù Đổng), đình Trân Tảo (Phú Thị) mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Đình Thổ Khối đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Cùng với chùa, đình Thổ Khối tạo thành cụm di tích để mọi người có thể tham quan, tìm hiểu và góp phần không nhỏ vào việc nghiên cứu lịch sử làng xã Việt Nam.

Ngân Hà (t/h)