Chính sách & Quản lý

Tôn tạo di tích đình Yên Phúc, phường Phúc La

Kim Thoa 15:45 21/03/2023

Đình Yên Phúc được hình thành từ năm 1700, thờ Đức Thánh Linh Lang Đại vương- Vị tướng đời nhà Trần có công đánh giặc cứu nước trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thế kỷ XIII.

v2154839802.jpg
Di tích đình Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản số 957/BVHTTDL-DSVH về việc thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Yên Phúc, với các nội dung: Cải tạo ao đình và xây dựng mới thủy đình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư cần gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để lưu trữ và quản lý di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, công bố công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Đình Yên Phúc được hình thành từ năm 1700, thờ Đức Thánh Linh Lang Đại vương- Vị tướng đời nhà Trần có công đánh giặc cứu nước trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thế kỷ XIII.

Lễ hội truyền thống làng Yên Phúc được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Đình Yên Phúc là di tích kiến trúc nghệ thuật được Bộ trưởng Bộ Văn hóa xếp hạng tại Quyết định sô 08/QĐ- Bộ VHTT ngày 13/3/2001.

Ngôi đình làng Việt không chỉ là cơ sở tín ngưỡng và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa xã hội của một làng xã mà chính là linh hồn của làng, là tài sản quý báu của mỗi địa phương. Trong nhịp sống hối hả ngày nay, người ta dường như đều muốn được tìm về với chốn tâm linh, tìm về với những gì bình yên và Đình làng Yên Phúc là một nơi như thế...

Kim Thoa