Văn hóa – Di sản

Đình Bát Tràng

Phương Anh 11:31 21/03/2023

Đình Bát Tràng thuộc thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

Tên gọi của đình là tên gọi theo địa danh của làng. Nằm trên vùng đất nổi tiếng với nghề gốm từ rất lâu đời, đình Bát Tràng là một ngôi đình cổ nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa. Theo truyền thuyết, đình được xây dựng từ rất sớm, khoảng thế kỷ XV, do các ông họ Nguyễn và họ Phùng góp công xây dựng.

Căn cứ vào hệ thống sắc phong, đình thờ 6 vị thần có công với dân, với nước làm Thành hoàng làng. Đó là các vị thần: Bạch Mã đại vương, Lưu Thiên Tử đại vương, Trang Thuận Nghi Dung Lã Thánh Mẫu, Hộ Quốc đại vương, Phan Đại Tướng đại vương và Cao Minh Tự đại vương.

Thần Bạch Mã đại vương là vị Thành hoàng làng Hà Nội, gốc được lập đền thờ tại phía đông kinh thành. Tương truyền khi Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng Long, đô thành cứ đắp lại lở, vua sai người đến cầu đảo, chợt thấy con ngựa trắng từ trong di ra, đi quanh một vòng, đi đến đâu để lại dấu chân ngựa đến đó rồi quay trở lại đền, biến mất. Vua theo dấu chân ngựa mà đắp luỹ thành thì không lở nữa nên thờ làm Thành hoàng Thăng Long.

Trang Thuận Nghi Dung Lã Thánh Mẫu là vị thần có linh ứng, phù trợ dân làng. Tương truyền năm nọ nước lên có người đi câu cá, thấy một bộ khám trôi dạt vào bờ, đẩy mãi không ra nên dưa về thờ lấy mỹ tự là “Trung Thuận Nghi Dung”. Từ đó ngài có linh ứng với dân làng Bát Tràng nên được các triều đại phong kiến công nhận và ban sắc phong tặng.

Phan Đại Tướng tên thật là Phan Chính Nghị, người Phan Xá, huyện Nghi Xuân, Nghệ An. Năm ông 36 tuổi ông đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ, làm quan đến chức Đô ngự sử. Khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, ông không chịu khuất phục. Nhân dân địa phương kể rằng: Khi Mạc cướp ngội, ông không chịu theo, trốn mất. Nhà Mạc bắt được giải về khúc sông Bát Tràng. Ông nhảy xuống tự vẫn. Từ đó dân Bát Tràng thờ ông làm Thành hoàng làng.

Hộ Quốc đại vương là người giúp nước, dẹp giặc. Trong khi giao chiến ông bị giặc chém đứt đầu, ông chắp đầu lại chạy qua Bát Tràng, sau đó hy sinh. Do vậy dân làng thờ ông trong ngôi đình của mình.

Cao Minh Tự đại vương là một vị quan cao trong triều có công giúp dân, giúp nước.

Lưu Thiên Tử đại vương là vị thần luôn ngầm giúp, bảo hộ cho cuộc sống của dân làng. Do vậy thần được các triều đại phong kiến sắc phong thần.

Đình Bát Tràng có quy mô kiến trúc khá lớn, trông ra dòng sông Hồng. Quy hoạch tổng thể của di tích gồm: Nghi môn, sân đình, hai dãy tả hữu mạc và đình chính. Nghi môn có dạng trụ biểu kết hợp với tường lửng tạo thành. Trên đỉnh trụ có gắn tượng nghê, 4 ô lồng bên dưới đắp nổi đề tài tứ quý. Dọc theo thân của ba mặt trụ có đắp những câu đối bằng chữ Hán. Qua Nghi môn là đến một khoảng sân rộng, lát gạch Bát Tràng. Tiếp đến là đình chính gồm Đại đình và Hậu cung. Nhà Đại đình xây theo kiểu nhà 8 mái. Chính giữa mái trên đắp một con rồng lớn.

Đình Bát Tràng đã qua nhiều lần tu sửa. Năm 2006 là lần trùng tu lớn với sự đóng góp của nhân dân Bát Tràng.

Trải qua thời gian, đình vẫn bảo lưu được một khối lượng hiện vật phong phú như long ngai, bài vị mang phong cách nghệ thuật nhà Lê và đặc biệt hơn cả là 44 đạo sắc phong thần có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn.

Lễ hội đình Bát Tràng trước đây được tổ chức vào 7 ngày từ 15 đến 22 tháng hai âm lịch, với nhiều nghi lễ như rước nước, rước thần, tế thần... và nhiều trò chơi. Ngày nay hội được tổ chức vào ngày 15 tháng hai với những nghi lễ đơn giản. Ngoài ra, đình còn tổ chức kết chạ với làng Nam Dư Hạ bên bờ nam sông Hồng.

Sự tồn tại của đình Bát Tràng là một minh chứng sống động cho quá trình hình thành và phát triển của làng cổ Bát Tràng. Đình đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật năm 2002.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh